Hợp tác trong APEC về chủ đề phát triển cơ sở hạ tầng

(Dân trí) - Nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo là rất lớn. ADB dự kiến trong giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu cơ sở hạ tầng của khu vực có thể lên tới 8 nghìn tỷ USD.

Trong bối cảnh các nền kinh tế đang nỗ lực củng cố tài khóa, tiết kiệm chi tiêu nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách, việc tìm kiếm các giải pháp tài chính cho cơ sở hạ tầng (CSHT) là vấn đề cốt lõi để giải quyết điểm "thắt cổ chai" trong bài toán cơ sở hạ tầng.

Một trong những chủ đề quan trọng của APEC là phát triển cơ sở hạ tầng
Một trong những chủ đề quan trọng của APEC là phát triển cơ sở hạ tầng

Trong bối cảnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục là chủ đề được đặc biệt quan tâm trong hợp tác APEC, không chỉ đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi với nhu cầu rất cao về phát triển cơ sở hạ tầng, mà cả với những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB.

Vào cuối năm 2013, hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 21 đã thông qua kế hoạch APEC nhiều năm về phát triển và đầu tư CSHT (MYPIDI) với trọng tâm là tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý trong việc xây dựng các dự án khả thi về mặt tài chính và phù hợp với điều kiện của khu vực tư nhân.

Để triển khai thực hiện kế hoạch nhiều năm này, Indonesia phối hợp với Úc đã đề xuất sáng kiến về việc xây dựng các trung tâm PPP tại các nền kinh tế trong khu vực. Các trung tâm PPP này sẽ là đầu mối tập trung về thông tin, kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án PPP, hỗ trợ cho các cơ quan quản lý xây dựng các dự án PPP khả thi về mặt tài chính, kết nối giữa nhu cầu đầu tư CSHT và khả năng đáp ứng của khu vực tư nhân.

Trung tâm PPP thử nghiệm đầu tiên trong khu vực đã được Indonesia thành lập cuối năm 2013. Để hỗ trợ cho việc phát triển các trung tâm PPP trong khu vực, Indonesia cũng đề xuất thành lập Hội đồng Tư vấn PPP APEC nhằm cung cấp tư vấn cho các nền kinh tế thành viên trong việc thành lập trung tâm PPP cũng như thúc đẩy sáng kiến này trong các năm tiếp theo.

Trong năm 2014, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy chủ đề này với việc thành lập trung tâm PPP trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc. Đây là trung tâm thứ hai sau Indonesia được thành lập trong khuôn khổ sáng kiến APEC về tài chính cho CSHT.

Bên cạnh việc tổ chức các hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển CSHT và mô hình PPP, Trung Quốc đã phối hợp với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế tập hợp một loạt dự án PPP đã được triển khai trong khu vực thành một báo cáo nghiên cứu với những bài học kinh nghiệm rút ra cho từng dự án.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đề xuất một lộ trình triển khai thành công các dự án PPP về cơ sở hạ tầng trong khu vực APEC, bao gồm các bước chuẩn bị và triển khai dự án PPP, từ việc tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư, lên kế hoạch, lựa chọn dự án, chuẩn bị dự án cho đến việc ký hợp đồng giữa các bên, triển khai dự án, đánh giá rủi ro… nhằm đảm bảo thành công của dự án PPP.

Lộ trình này là sự tổng hợp các kinh nghiệm đúc rút ra từ báo cáo các dự án PPP. Đây được coi là những đóng góp thiết thực của kênh hợp tác tài chính APEC vào nỗ lực chung về phát triển CSHT trong khu vực.

Trong năm 2015, Philippines đã đưa chủ đề phát triển CSHT vào thành một trong bốn trụ cột của kế hoạch hành động Cebu, tập trung vào các mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân thông qua các dự án PPP, huy động nguồn tài trợ dài hạn dành cho cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và khởi động các công cụ dài hạn hỗ trợ cho đầu tư dài hạn, và tăng cường CSHT toàn diện cho phát triển đô thị và kết nối khu vực.

Trong năm chủ trì 2016, Peru cũng đã đưa chủ đề phát triển CSHT vào chương trình ưu tiên thảo luận, tuy nhiên tập trung vào nội dung phát triển cổng thông tin chia sẻ kiến thức PPP của khu vực và phối hợp với trung tâm CSHT toàn cầu (GIH) để xây dựng trang web cổng thông tin kiến thức PPP tập hợp thông tin về các dự án CSHT trong khu vực, trong đó bao gồm cả thông tin về khung pháp lý, chính sách, quy trình đấu thầu, lựa chọn dự án, các thông lệ tốt nhất trong PPP, danh sách các dự án PPP, danh bạ các doanh nghiệp, nhà quản lý, tư vấn, chuyên gia về PPP trong khu vực.

Cũng trong hội nghị này, các Bộ trưởng đã thông qua kế hoạch phối hợp hành động giữa các nền kinh tế APEC với trung tâm CSHT toàn cầu nhằm thúc đẩy các sáng kiến trong trụ cột 4 của CAP về phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó bao gồm cả việc xây dựng cổng thông tin kiến thức PPP.

Công Bính