Hơn nửa tỷ đồng phạt thao túng chứng khoán: “Xử kịch khung” chưa làm khó đại gia
(Dân trí) - 2018 được coi là một năm kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán và mới chỉ bước qua quý I, những bàn tay thao túng mới đã lộ ra. Trong một phát biểu gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận xét rằng, “những vụ vi phạm gian lận trăm tỷ đồng nhưng chỉ xử phạt 1-2 tỷ đồng liệu có đủ sắc răn đe? Với số tiền xử phạt như vậy người vi phạm còn xung phong nộp phạt trước khi cơ quan quản lý có quyết định”.
Ủy Ban chứng khoán Nhà nước mới đây đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một nhà đầu tư do có hành vi thao túng giá cổ phiếu.
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra cho thấy, bà Nguyễn Thị Nhung đã sử dụng 18 tài khoản để mua bán, tạo cung cầu giả đối với cổ phiếu AMV của Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ. Với hành vi này, bà Nhung bị phạt số tiền 550 triệu đồng.
Đây không phải lần đầu mã cổ phiếu AMV bị thao túng. Trong khoảng thời gian từ 1/7/2010 đến 31/8/2010, một cá nhân khác là ông Võ Văn Trường cũng đã sử dụng 2 tài khoản của mình và 10 tài khoản đứng tên người có liên quan đã có hành vi thông đồng với ông Phạm Đình Phú để thực hiện mua, bán cổ phiếu AMV. Hai nhà đầu tư này cũng đã bị phạt hành chính mỗi người 250 triệu đồng.
Với những trường hợp không phải khắc phục hậu quả thì mức phạt hành chính hơn nửa tỷ đồng là mức kịch khung đối với người vi phạm. Mặc dù không ít trường hợp đã bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, phanh phui, song tình trạng thao túng giá trên thị trường chứng khoán vẫn diễn ra rất phức tạp.
Hồi tháng 1, một nhà đầu tư ở Đà Nẵng tên là Lê Văn Long cũng đã bị xử phạt hành chính 550 triệu đồng do sử dụng tới 44 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu ALV của Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng ALV.
Trước đó, trong năm 2018, theo thống kê sơ bộ cũng có tới 9 cá nhân bị phạt hành chính về hành vi vi phạm này, mức phạt lên tới 5,1 tỷ đồng. Đây được xem là năm kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán. Trong số 9 trường hợp nói trên có 8 trường hợp cùng nhận mức phạt 550 triệu đồng, duy nhất một trường hợp có thêm phần khắc phục hậu quả là nộp thêm số lợi bất hợp pháp có được (hơn 149,8 triệu đồng).
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã đưa ra nhận xét, một trong những “điểm nghẽn” trên thị trường hiện nay chính là tình trạng gian lận. Với những hiện tượng thao túng, nội gián, gian lận, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, khuôn khổ pháp lý còn chưa đầy đủ.
“Những vụ vi phạm gian lận trăm tỷ đồng nhưng chỉ xử phạt 1-2 tỷ đồng liệu có đủ sắc răn đe? Với số tiền xử phạt như vậy người vi phạm còn xung phong nộp phạt trước khi cơ quan quản lý có quyết định” – Phó Thủ tướng đánh giá.
Được biết, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi chuẩn bị trình ra Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới, Ban soạn thảo đề xuất tăng mức phạt tiền lên tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, đồng thời tăng áp dụng các chế tài xử phạt bổ sung.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tháng 4, VN-Index đạt mức tăng tốt 7,77 điểm tương ứng 0,79% lên 988,53 điểm còn HNX-Index cũng tăng 0,29 điểm tương ứng 0,27% lên 107,72 điểm.
Tuy nhiên, trên bình diện chung toàn thị trường thì số mã tăng-giảm vẫn không cho thấy chênh lệch, thậm chí độ rộng còn nghiêng về số mã giảm. Có 338 mã giảm giá, 44 mã giảm sàn trên toàn thị trường so với 327 mã tăng và 52 mã tăng trần.
Thanh khoản đạt 188,61 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 4.300,88 tỷ đồng và 26,88 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 306,28 tỷ đồng.
Phiên này, nhóm cổ phiếu “trụ” đã đóng vai trò chống đỡ khá tốt cho VN-Index, đặc biệt là nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn như VNM, GAS, MSN. Trong đó, VNM tăng 3.800 đồng đã đóng góp cho chỉ số chính tới 2,01 điểm; GAS tăng 2.500 đồng đóng góp 1,45 điểm và MSN tăng 3.700 đồng đóng góp 1,31 điểm cho VN-Index.
Đưa ra chiến lược tuần, VCBS cho rằng, mặc dù trong tuần trước VN-Index đã có những nỗ lực để hồi phục về mức 1.000 điểm nhưng nhìn chung dòng tiền vẫn còn tương đối hoài nghi và phần nhiều vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát thêm, thể hiện qua việc khối lượng giao dịch suy yếu đáng kể. Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết với một thỏa thuận chính thức.
VCBS đánh giá rủi ro cũng như mức biến động của chỉ số sẽ vẫn là khá lớn và do đó khuyến nghị nhà đầu tư nên chủ động chốt lời các cổ phiếu đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng, đồng thời cập nhật thêm những diễn biến về kỳ đại hội cổ đông đang diễn ra của các doanh nghiệp niêm yết để chọn lọc và tích lũy dần những cổ phiếu tăng trưởng tiềm năng cho mục tiêu đầu tư trung – dài hạn ở những vùng giá chiết khấu.
Còn theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 991-998 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Tuy vậy, VCBS cũng lưu ý đến khả năng thị trường sẽ vấp phải áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự này.
Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VCB, VIC, VRE, GAS… sẽ tiếp tục tạo ra sự chi phối đến diễn biến thị trường. Còn các cổ phiếu ngân hàng nhiều khả năng sẽ vẫn dao động đi ngang tích lũy. Dòng tiền có thể sẽ chú ý nhiều hơn đến các cổ phiếu có thông tin lợi nhuận quý 1/2019 tích cực hoặc các nhóm cổ phiếu đã giảm sâu về các vùng hỗ trợ để tìm kiếm lợi nhuận.
BVSC vẫn đánh giá dư địa hồi phục của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn nhưng khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này là tương đối khó khăn. Do đó, đối với các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp hồi của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.
Còn với nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao và chấp nhận rủi ro thì có thể thực hiện các hoạt động mua trading trong các phiên thị trường điều chỉnh, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục. Tỷ trọng danh mục tổng giai đoạn hiện tại nên được khống chế tối đa ở mức 40-45% cổ phiếu.
Mai Chi