Hơn 65.000 tỷ đồng "bốc hơi", đại gia chứng khoán bất lực nhìn tiền rơi rụng

(Dân trí) - Trong phiên giảm lịch sử của thị trường chứng khoán ngày 8/5, vốn hóa hai sàn HoSE và HNX sụt giảm tổng cộng 65.087 tỷ đồng (khoảng 3,1 tỷ USD). Nguyên nhân vỡ trận của thị trường ngoài tình trạng giải chấp chủ yếu do yếu tố tâm lý nhà đầu tư.

Vốn hóa thị trường (market cap) sàn Hà Nội sụt giảm rõ rệt trong phiên 8/5.
Vốn hóa thị trường (market cap) sàn Hà Nội sụt giảm rõ rệt trong phiên 8/5.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* HD981 và tham vọng dầu biển sâu của Trung Quốc?


Theo thống kê của Dân trí dựa trên dữ liệu tại các Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) và Hà Nội (HNX), trong phiên giao dịch hôm nay (8/5), với mức giảm mạnh tại cả hai sàn, một lượng tài sản khổng lồ đã thất thoát khỏi thị trường chứng khoán.

Cụ thể, với việc VN-Index mất 32,88 điểm tương ứng 5,87% xuống 527,09 điểm tại thời điểm đóng cửa phiên 8/5, sàn HoSE đồng thời cũng ghi nhận bị "bốc hơi" 57.759 tỷ đồng (khoảng 2,75 tỷ USD).

Trong khi đó, HNX-Index giảm 4,9 điểm tương ứng 6,4% lùi về 71,66 điểm cũng đã khiến sàn Hà Nội thất thoát tới 7.328 tỷ đồng. Tổng cộng, toàn thị trường phiên hôm nay mất 65.087 tỷ đồng.

Còn nhớ, hơn một tháng trước, VN-Index từng có lúc lên tới 607,55 điểm vào ngày 24/3/2014, vốn hóa thị trường (market cap) của HoSE đạt 1.071,4 tỷ đồng. Và như vậy, nếu so với mốc thời gian này, thì trong khoảng thời gian vừa qua, market cap sàn HoSE đã "không cánh mà bay" tới 142.563 tỷ đồng (khoảng 6,8 tỷ USD).

Tính riêng một tuần giao dịch trở lại đây kể từ khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, với những biến động khá bất lợi, vốn hóa thị trường HoSE ghi nhận sụt giảm 88.606 tỷ đồng và trên HNX, con số này là 12.263 tỷ đồng. Tài sản trên hai sàn chỉ trong 4 phiên giao dịch giảm chóng mắt 100.869 tỷ đồng (tương ứng 4,8 tỷ USD).

Cổ phiếu lớn "mất phanh", thị trường vỡ trận

Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm sâu là do hiệu ứng của các mã chứng khoán có vốn hóa lớn bị giảm sàn.

Cổ phiếu VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với thị giá cao ngất ngưởng cũng bị giảm sàn, mất tới 9.000 đồng và đóng cửa còn 125.000 đồng/cp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ trong một phiên, vốn hóa thị trường của VNM sụt giảm tới 7.502 tỷ đồng còn 104,183 tỷ đồng.

Cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) với thị giá thời điểm chốt phiên là 92.000 đồng cũng bị giảm sàn. Đây là mã có vốn hóa "khủng" nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Trong phiên này, vốn hóa của GAS "bốc hơi" 12.318 tỷ đồng, một con số khổng lồ. Vốn hóa GAS hiện tại đang là 174.340 tỷ đồng.

VIC (Vingroup) không giảm sàn nhưng cũng đánh mất 2.000 đồng/cp, lùi về 62.500 đồng/cp. Do cũng là một trong những mã lớn nhất trên thị trường nên mức giảm tại VIC đã tác động không nhỏ đến thị trường chung. 

Vốn hóa của VIC trong phiên đã giảm còn 55.890 tỷ đồng, mất 1.789 tỷ đồng và đồng thời cũng lấy đi 569,2 tỷ đồng khỏi tài khoản ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và đang là người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Hiện tại, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng thông qua sở hữu 284,6 triệu cổ phiếu VIC là 17.788,9 tỷ đồng.

Không thể không nhắc đến MSN của Masan Group, cũng là một trong mã có tác động mạnh đến diễn biến VN-Index. Với mức giảm 6.500 đồng/cp phiên này, MSN lùi về mức sàn 87.000 đồng và vốn hóa tương ứng giảm 4.777 tỷ đồng. Hai cổ đông cá nhân lớn nhất của Masan Group là bà Nguyễn Hoàng Yến và ông Hồ Hùng Anh trước mức giảm trên của cổ phiếu, tài sản trên sàn cũng bị sụt 141,6 tỷ đồng và 102,5 tỷ đồng.

BVH của Bảo Việt sau phiên tăng trần ấn tượng hôm qua thì phiên này giảm sàn đầy thất vọng, mất 2.500 đồng và khiến vốn hóa sụt 1.701 tỷ đồng còn 22.796 tỷ đồng. BID của Ngân hàng BIDV giảm 900 đồng nhưng thị giá không cao (14.600 đồng) nên biên độ giảm vẫn lên tới 5,81%; vốn hóa thị trường sụt 2.530 tỷ đồng.

Ngoài ra, với việc HAG giảm sàn (mất 1.700 đồng), lùi về còn 22.600 đồng/cp, khối tài sản của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng "bay hơi" 529,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tài khoản chứng khoán của ông Trần Đình Long (bầu Long) lại mất tới 333,5 tỷ đồng do cổ phiếu HPG giảm sàn, mất 3.500 đồng/cp trong phiên.

Vốn hóa thị trường (market cap) sàn Hà Nội sụt giảm rõ rệt trong phiên 8/5.
Với áp lực vay margin, không ít nhà đầu tư sợ hãi trước tình trạng rớt giá tự do của cổ phiếu (ảnh minh họa).

Theo thống kê của Chứng khoán Maybank - KimEng, trong phiên có mức giảm mạnh nhất lịch sử ngày hôm nay, có hàng trăm mã cổ phiếu giảm sàn với không còn lượng dư mua và cứ 20 mã giảm thì mới có 1 mã tăng điểm, các mã vốn hóa cao cũng như các mã vốn hóa nhỏ đều giảm kịch sàn. Không khí rất hoảng loạn. Chỉ báo tâm lý thị trường KE Sentiment Index của công ty này giảm về -23 điểm, tương đương với những giai đoạn bị quan trong năm 2011 khi lạm phát lên tới trên 20%.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì nhận định, nguyên nhân của phiên giảm này xuất phát từ hai vấn đề: một là lo ngại về căng thẳng Biển Đông, hai là giải chấp. Bản Việt cho rằng, tình trạng giải chấp khi thực sự xảy ra chỉ áp dụng với một số mã, vì vậy, tâm lý nhà đầu tư thật ra mới là yếu tố gây ảnh hưởng lớn hơn đến diễn biến thị trường.

Trong báo cáo phát hành cho nhà phân tích trong ngày, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lưu ý, những lo ngại về áp lực giải chấp là hiện hữu trong phiên ngày mai (9/5) khi khá nhiều các mã cổ phiếu mang tính đầu cơ đã giảm vượt biên độ an toàn trong khi lực cầu bắt đáy vẫn chưa đủ sức hấp thụ hết.

Mai Chi
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước