Hơn 600.000 tỷ đồng vốn bị ảnh hưởng, người đi cách ly trả nợ thế nào?
(Dân trí) - Sơ bộ tổng hợp từ 14 tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng cho thấy, từ ngày 10/6 đến nay có hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng trên tổng dư nợ thực tế là hơn 1.190.000 tỷ đồng.
Như vậy, ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư là rất lớn. Hệ quả của đại dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp. Các khoản nợ này đủ điều kiện cơ cấu nợ nhưng lại không thể thực hiện vì thời gian quy định là dư nợ trước ngày 10/6/2020 mới được cơ cấu.
12 vướng mắc trong thực hiện Thông tư 03
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, các ngân hàng được yêu cầu phải giảm lãi, giảm phí nhưng nếu không cơ cấu nợ kịp thời thì khoản nợ chuyển thành nợ xấu, việc giảm lãi, phí không có tác dụng, ngân hàng không thu được nợ gốc chứ chưa nói đến nợ lãi... Qua tổng hợp ý kiến từ các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng ghi nhận nhiều nội dung còn vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 03 như cơ cấu lại nợ, thời hạn trả nợ sau ngày 10/6/2020.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng - cho biết, theo phản ánh từ các tổ chức tín dụng (TCTD), có 12 nội dung vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 03, như: Về tính số lần cơ cấu nợ của khoản nợ; quy định cơ cấu khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; quy định thời hạn được thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12 năm nay; quy định cơ cấu nợ đối với khoản nợ quá hạn đến 10 ngày...
Cụ thể như việc trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03 có tính đến số lần cơ cấu nợ theo Thông tư 01 sẽ làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro cao hơn rất nhiều so với Thông tư 02 do nhiều khách hàng cơ cấu nợ nhiều lần theo Thông tư 01 sẽ bị chuyển lên nhóm 5 (tỷ lệ trích lập 100%). Đây là quy định bất cập, nhiều khách hàng sau khi được cơ cấu lại nợ bị chuyển nhóm nợ và không phù hợp với quy định tại Thông tư 01. Do đó, các TCTD đều có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại quy định này.
Trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến về Thông tư 03 do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, đại diện VietinBank cho biết, danh mục khách hàng mà ngân hàng đánh giá đến thời điểm hiện nay ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh lên đến 25-30% danh mục tín dụng. Mặc dù số lượng đủ điều kiện cơ cấu ít hơn khá là nhiều nhưng danh mục khách hàng bị ảnh hưởng lên đến gần 30% danh mục tín dụng.
Như vậy, nếu Thông tư 03 chỉnh sửa, sửa đổi không đạt được như các đề xuất đã nêu thì thời gian tới chắc chắn là ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của VietinBank và suy ra với các ngân hàng khác về cơ bản sẽ cũng có ảnh hưởng lớn.
"Mặc dù chúng ta có thể giải thích đã có dự phòng 30% của năm nay và dự phòng trong 3 năm nhưng dự phòng đó (kể cả ngân hàng có trích lập đầy đủ), chắc chắn không thể nào không để lại hệ lụy lớn, không chỉ dừng lại ở con số chúng ta đang tính toán", đại diện VietinBank chia sẻ.
Đại diện Agribank cho biết, dư nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được xác định theo Thông tư 01, Thông tư 03 tại ngân hàng trên 200.000 tỷ đồng. Hiện vẫn còn một lượng lớn dư nợ mà khách hàng gặp khó khăn nhưng do hành lang pháp lý vướng mắc không thể áp dụng Thông tư 03 nên ngân hàng đã phải sử dụng các giải pháp khác để tháo gỡ.
Từ ngày 10/6/2020 đến ngày 31/7 vừa qua, Agribank giải ngân 1,6 triệu tỷ đồng, nếu không được cơ cấu lại nợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Từ thực tế này, đại diện Agribank đề nghị "cho phép cơ cấu các khoản nợ sau ngày 10/6/2020, không quy định thời gian cơ cấu nợ là 12 tháng, khoản miễn giảm lãi đề nghị không phải trích lập".
Đại diện Agribank cũng đề nghị cần xem xét lại thủ tục hỗ trợ khách hàng trong vùng giãn cách xã hội và đang cách ly. Hiện ngân hàng này không thu lãi quá hạn đối với khách hàng đang phải cách ly. Nhưng về thủ tục, để cơ cấu lại nợ vẫn phải có văn bản đề nghị của khách hàng. Khách hàng có thể nhắn tin gửi yêu cầu tới Agribank để được cơ cấu lại nợ và trong vòng 30 ngày sau khi hết thời hạn cách ly, giãn cách xã hội thì phải hoàn thiện hồ sơ.
"Đây cũng chính là rủi ro cho ngân hàng nếu sau này có thanh tra, kiểm tra. do vậy chúng tôi đề nghị sớm sửa đổi quy định này", vị đại diện này nêu ý kiến.
Người đi cách ly hoặc giãn cách trả nợ thế nào?
Đại diện Eximbank đề nghị cần phải sửa đổi Thông tư 03 nhanh. Bởi từ thực tế tại Eximbank cho thấy, có rất nhiều khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt, vùng Nha Trang, Hội An... đang có gần 80% khách hàng thuộc diện cơ cấu lại nợ. Do đó, nếu không có giải pháp phù hợp thì các khoản nợ này sẽ thành nợ xấu hết trong thời gian tới.
Một vấn đề vướng mắc được đại diện của ACB chia sẻ là thủ tục hỗ trợ khi khách hàng trong vùng giãn cách xã hội hoặc ở trong khu cách ly. Bởi theo quy định, khách hàng phải có đơn đề nghị cơ cấu lại nợ và sau đó TCTD thẩm định. Nhưng trường hợp khách hàng trong vùng giãn cách xã hội hoặc đang cách ly thì không thể nộp tiền thanh toán nợ, cũng không thể ký giấy đề nghị cơ cấu. Khách hàng cũng không thể di chuyển đến ngân hàng làm thủ tục do không chứng minh được đây là nhu cầu thiết yếu.
Cũng theo đại diện ACB, việc hoãn trả nợ được thực hiện tự động bởi ngân hàng và thông báo qua tin nhắn, email…; do vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hỗ trợ khách hàng cho phép tạm hoãn trả nợ trong thời gian phong tỏa và dời thời gian trả nợ.
Tại tọa đàm, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước ghi nhận toàn bộ các nhóm vấn đề được nêu ra và cũng nhìn nhận việc sửa đổi Thông tư 03 mang tính chất cấp bách, cần làm nhanh để hỗ trợ người dân và khách hàng chịu ảnh hưởng làn sóng thứ tư.
Vị đại diện này cho biết, Cơ quan Thanh tra giám sát cũng đang tiến hành sửa đổi Thông tư 03 theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến, việc sửa đổi sẽ chia thành 2 giai đoạn, trong đó: các nhóm vấn đề trong thẩm quyền của NHNN sẽ được triển khai sửa trước (giai đoạn 1); còn các nhóm vấn đề còn lại sẽ được tiến hành sửa đổi theo đúng quy trình, quy định (giai đoạn 2).