Hơn 54 tỷ đồng “mọc rêu” giữa Hà Nội

(Dân trí) - Dự án xây dựng Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin TP Hà Nội đã bỏ hoang từ 2 năm nay gây lãng phí tiền tỉ cho nhà nước. Kết quả thanh tra còn cho thấy hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng của Ban quản lý dự án và đơn vị thi công.

Công trình dang dở

Dự án xây dựng Trung tâm đào tào CNTT do Ban quản lý dự án CNTT và Viễn thông (Sở Bưu chính Viễn thông Hà Nội) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư lên đến 54,68 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 5/2004 tại Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính.

Mục đích của việc xây dựng dự án là hết sức quan trọng, bởi khi hoàn thành, nó sẽ góp phần vào chương trình phát triển CNTT của thành phố trong giai đoạn 2001 - 2005, đưa mạng tin học rộng của thành phố sớm đi vào hoạt động phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Thành uỷ, HĐND và UBND TP. Hà Nội.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào quý 2 năm 2005 nhưng đến nay mới thực hiện được gói thầu số 1 xây lắp nhà Trung tâm công nghệ thông tin, 6 gói thầu còn lại chưa thực hiện.

Ngay sau khi nhận được bản báo cáo kết quả thanh tra, UBND TP Hà Nội đã lập tức có công văn số 6872/UBND-KT do Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển ký gửi Thanh tra TP, các Sở BCVT, Nội vụ, Tài chính, KH&ĐT, Xây dựng, yêu cầu Sở BCVT nhanh chóng thực hiện các kiến nghị của Thanh tra TP và giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở BCVT củng cố tổ chức bộ máy; đề xuất hình thức xỷ lý đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo kết quả thanh tra.

Tìm hiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này chúng tôi được biết, chỉ vì sự thiếu hợp tác giữa chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) với đơn vị thi công (Vinaconex 34) khiến công trình vẫn nằm im bất động.

Ông Nguyễn Khắc Thái, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, ban đầu năng lực thi công không có vấn đề gì, chỉ khi phát sinh ra việc dầm mái thì năng lực nhà thầu này không thực hiện được đúng như hồ sơ mời thầu.

Đến thời điểm này còn nhiều cái mà nhà thầu chưa triển khai tiếp theo. Đáng ra, khi gặp vướng mắc, đơn vị thi công phải ngồi lại với chủ đầu tư để tìm biện pháp giải quyết nhưng ở đây họ lại có ý tưởng riêng không thể thống nhất được.

“Chúng tôi chỉ là đơn vị thay mặt cho nhà nước quản lý vốn và tiến độ công việc. Còn nhà thầu khả năng đến đâu, như thế nào, thì đôi khi sự lựa chọn không phải là chuẩn xác” - ông Thái nói.

Theo những người dân ở khu vực này cho biết, công trình này đã bỏ hoang từ hai năm nên các đoạn sắt chờ đã bị hoen gỉ, các bức tường đã bị rêu mốc đen kịt. Tình trạng này kéo dài không những gây ảnh hưởng đến chất lượng của công trình mà còn gây thất thoát tiền của của nhà nước.

Nhiều sai phạm cần xử lý

Trước tình trạng này, UBND TP Hà Nôị đã giao cho Thanh tra TP tiến hành thanh tra dự án trên. Bản báo cáo số 2005/BC-TTTP của thanh tra thành phố đã chỉ rõ trách nhiệm của cả chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Trong đó Ban quản lý dự án là chủ đầu tư nhưng lại xây dựng kế hoạch đầu tư chỉ mang tính hình thức, không có tính khả thi… lựa chọn các nhà thầu năng lực yếu trong việc lập thiết kế kỹ thuật dự - toán, xây lắp, tư vấn giám sát công trình là chậm tiến độ dự án.

Còn đối với đơn vị thi công (Vinaconex 34), chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ và xem xét năng lực thi công khi tham gia đấu thầu và ký hợp đồng xây lắp thực hiện gói thầu 1 là chưa đúng với quy định tại điểm a, mục 3, Điều 46 Quy chế quản lý đầu tư và Xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP.

Lãnh đạo Sở BCVT Hà Nội trong quá trình giải quyết các vướng mắc còn lúng túng, thiếu quyết đoán làm chậm tiến độ thi công công trình là chưa hoàn thành nhiệm vụ UBND TP giao, chưa đủ năng lực và trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết tồn tại đối với dự án để xảy ra sai phạm.

Theo bà Phan Lan Tú, Phó Giám đốc Sở BCVT: “Sở đã có công văn trình thành phố về tiến độ khắc phục, còn đề xuất hình thức xử lý sai phạm thì Sở đã triển khai với cán bộ lãnh đạo Sở thì thuộc thẩm quyền của thành uỷ, UBND thành phố, việc này đã được triển khai đang chờ cấp trên xem xét.

Thái Bình