TPHCM:

Hơn 50 doanh nghiệp nợ đọng 45 tỷ đồng BHXH

(Dân trí) - Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm xã hội TPHCM, số lượng doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài đến nay là 53 doanh nghiệp (DN) với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng; việc thu hồi rất khó khăn.

Hơn 50 doanh nghiệp nợ đọng 45 tỷ đồng BHXH - 1
Các quy định về BHXH còn nhiều bất cập khiến NLD chịu thiệt thòi.

Việc thu hồi số nợ đọng này khó khăn là do các biện pháp thu hồi được quy định trong Luật Lao động và các Nghị định, Thông tư... có tính khả thi rất thấp, áp dụng không đạt hiệu quả.

Giải pháp kiện DN ra tòa cũng đã có nhưng chỉ mang ý nghĩa ở việc sử dụng biện pháp cưỡng chế tư pháp, buộc DN thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, giải pháp này không mang tính toàn diện và không thể giải quyết căn nguyên, nguồn gốc của tình trạng nợ BHXH.

Trong Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Luật Lao động trên địa bàn TP, UBND TPHCM cho rằng: “Các quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH ban hành vừa không kịp thời vừa không đủ sức giáo dục, răn đe khiến nhiều đơn vị sử dụng lao động vi phạm nghiêm trọng, nợ đọng kéo dài và tái phạm nhiều lần”.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 22.784 DN tham gia BHXH đối với người lao động, trong đó 1.359 DN nhà nước, 2.426 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 18.999 DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Số tiền BHXH thu được hàng năm đến nay đã gần 2.000 tỷ đồng, tăng gần 50 lần so với năm đầu tiên thực hiện Luật Lao động (năm 1996).

Tuy nhiên, UBND TPHCM nhận định là việc tham gia BHXH của các DN chưa mang tính chủ động và còn nhiều hạn chế, mức đóng BHXH thường ở mức cao hơn không nhiều so với mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Theo UBND TP thì quy định pháp luật hiện nay về tiền lương làm cơ sở tham gia BHXH còn nhiều bất cập và chưa rõ. Do đó, không thể buộc DN phải đóng BHXH cho người lao động ở mức tiền lương thực tế quyết toán với cơ quan thuế. Việc này ảnh hưởng lớn đến chất lượng chế độ BHXH hiện nay.

Ngoài ra, UBND TP cũng cho biết tình trạng lách luật, né luật để trốn đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều DN. Từ năm 2002 trở về trước (khi chưa có luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Bộ Luật lao động), nhiều DN đã áp dụng hình thức ký hợp đồng lao động 3 tháng một lần để không đóng BHXH.

Còn ở các DN dân doanh có tình trạng lao động nữ sắp đến ngày sinh mới ký hợp đồng lao động có đóng BHXH hoặc đột ngột tăng cao tiền lương để hưởng trợ cấp thai sản. Các cơ quan quản lý thì yếu kém nên nhiều DN cố tình đăng ký chậm hoặc thiếu, chỉ khi công nhân đình công mới lộ ra.

UBND TP còn cho rằng: “Giải quyết các tranh chấp về BHXH giữa người lao động và cơ quan BHXH với đơn vị sử dụng lao động theo các quy định hiện hành còn thiếu hiệu quả vì trách nhiệm không rõ ràng, giải quyết không triệt để. Đã có trường hợp Toà án tuyên thắng kiện nhưng không thi hành án được. Cuối cùng người lao động phải chịu thiệt thòi”.
 

Nghệ An: Một công ty nợ BHXH bị kiện ra tòa

Nợ BHXH hơn 3 tỷ đồng, Công ty CP xây dựng và thiết kế cầu đường Nghệ An đã bị BHXH Nghệ An khởi kiện ra TAND tỉnh. Đây là Công ty CP đầu tiên tại Nghệ An bị kiện ra tòa vì…nợ BHXH.

Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An sau một thời gian tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách tại Công ty CP xây dựng và thiết kế cầu đường (CPXD&TKCĐ) Nghệ An đã phát hiện 1 số sai phạm.

Sau khi xử phạt hành chính và nhắc nhở, Công ty CPXD&TKCĐ Nghệ An vẫn còn nợ hơn 3 tỷ đồng của BHXH Nghệ An. Do không thu hồi được nợ, cơ quan BHXH đã tiến hành khởi kiện công ty này ra TAND tỉnh.

Nguyễn Duy

Tùng Nguyên