1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hơn 20.000 tỷ đồng phát triển cảng cạn Việt Nam

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 2072 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cảng cạn Việt Nam sẽ được đầu tư để phát triển
Cảng cạn Việt Nam sẽ được đầu tư để phát triển

Theo đó, việc phát triển cảng cạn tại các khu vực như: Hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội hoặc kinh tế Đông Bắc TP.HCM, Đồng bằng Sông Cửu Long... được ưu tiên các vị trí kết nối thuận lợi với vận tải thủy nội địa, đường sắt hoặc xem xét khả năng kết nối với đường sắt.

Mục tiêu tổng thể của quy hoạch được điều chỉnh đến năm 2020 phát triển hệ thống cảng cạn, có khả năng thông quan tối thiểu 15 - 20% nhu cầu vận tải hàng hóa container thông qua hệ thống cảng biển, năng lực thông quan 4,035 - 6,845 triệu TEU/năm; năm 2030 là 12 - 17,6 triệu TEU/năm.

Dự kiến đến năm 2020, có 19 cảng cạn được hình thành theo quy hoạch trên, với tổng diện tích khoảng 580 - 755ha, giai đoạn đến năm 2030 quy mô 1.045-1.295 ha. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cảng cạn giai đoạn 2020 khoảng 9-15 nghìn tỷ đồng, giai đoạn đến 2030 khoảng 20-22 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giải pháp là huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển.

Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai việc thực hiện quy hoạch trên; phê duyệt chi tiết hệ thống cảng cạn và tổ chức hướng dẫn đầu tư, quản lý khai thác.

Quy hoạch mới có hiệu lực từ 22/12/2017, cảng cạn là bộ phận gắn liền với cảng biển và quan điểm phát triển mới là ưu tiên hình thành và phát triển các cảng cạn có khả năng kết nối với các phương thức vận tải đường thủy, vận tải đường sắt nhằm phát triển vận tải đa phương thức góp phần tái cơ cấu vận tải theo hướng hợp lý hóa, giảm thời gian, chi phí vận tải.

C.N.Q

Hơn 20.000 tỷ đồng phát triển cảng cạn Việt Nam - 2