1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hơn 10% vốn FDI “chảy” vào bất động sản 5 tháng đầu năm

(Dân trí) - Mặc dù thu hút vốn FDI đã giảm trên 20% trong 5 tháng đầu năm, song điểm tích cực là khối lượng vốn giải ngân lại tăng 7,6% so cùng kỳ. Lĩnh vực bất động sản là kênh hấp dẫn vốn thứ hai đối với các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam.

Bất động sản đang ngày càng có sức nóng trong thu hút vốn ngoại
Bất động sản đang ngày càng có sức "nóng" trong thu hút vốn ngoại

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20 tháng 5 năm 2015 cả nước có 592 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,95 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2014. 

Đồng thời, có 210 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,34 tỷ USD, bằng 72,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 4,29 tỷ USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong kỳ, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4,95 tỷ USD, tăng 7,6% với cùng kỳ năm 2014.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 269 dự án đầu tư đăng ký mới và 142 lượt dự án tăng vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 3,15 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 10 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 461,5 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. 

Lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa cũng hấp dẫn không kém với 92 dự án đầu tư mới và 19 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm ở mức 234,12 triệu USD.

Theo số liệu thống kê, đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đang giữ ngôi vị dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,1 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. 

BritishVirginIslands đứng vị trí thứ 2 với số vốn là 663,24 triệu USD chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 660,2 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng vị trí thứ 4 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 431,7 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.

Trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 40 tỉnh thành phố, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 983,5 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Một số địa phương khác như Đồng Nai thu hút được 948,7 triệu USD tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, chiếm 21,1%; Hải Phòng thu hút được 319,3 triệu USD, chiếm 7,4%.

Xét theo vùng thì Đông Nam Bộ là vùng thu hút được nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng Đồng bằng Sông Hồng với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 29,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Nguyên là vùng thu hút đầu tư nước ngoài ít nhất cả nước trong 5 tháng cả vùng chỉ thu hút được 17,43 triệu USD chiếm 0,4% tổng vốn đầu tư đang ký của cả nước. 

Khối doanh nghiệp FDI vẫn đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại của Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) trong 5 tháng năm 2015 đạt 44,37 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu 39,67 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 67% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2015, khu vực FDI xuất siêu 4,69 tỷ USD.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”