1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hơn 1 tỷ USD "bốc hơi" khỏi TTCK Việt Nam trong 2 ngày đầu tuần

(Dân trí) - Sau hơn 1 tuần điều chỉnh, xu hướng xả hàng được đẩy mạnh đã khiến hàng trăm mã đỏ sàn, tài sản trên thị trường "bốc hơi" mạnh. Chỉ tính riêng 2 ngày vừa rồi, tổng vốn hóa hai sàn giảm 22.668 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê trên hai Sở giao dịch chứng khoán, trong hai ngày giao dịch đầu tuần, vốn hóa thị trường (market cap) trên cả hai sàn đều suy giảm mạnh, tương ứng với khối lượng tài sản "bốc hơi" của thị trường theo nhịp điều chỉnh là rất lớn.

Trên sàn TPHCM (HSX), vốn hóa giảm từ 743.566 tỷ đồng đóng cửa phiên 18/1 xuống còn 724.388 tỷ đồng thời điểm đóng cửa phiên giao dịch 22/1, mức giảm 19.178 tỷ đồng.

Trong khi đó ở sàn Hà Nội, vốn hóa cũng liên tục giảm qua các phiên giao dịch vừa qua, giảm từ 93.464 tỷ đồng đóng phiên 18/1 xuống còn 89.974 tỷ đồng đóng phiên 22/1 (riêng phiên hôm qua, giảm 2,71%). Mức giảm vốn hóa tương ứng 3.490 tỷ đồng.

Tổng cộng khối lượng tài sản "bốc hơi" khỏi thị trường trong hai phiên điều chỉnh đầu tuần lên tới 22.668 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD).

Hơn 1 tỷ USD bốc hơi khỏi TTCK Việt Nam trong 2 ngày đầu tuần

Đây có thể là đợt điều chỉnh đủ mức để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và bắt đầu có những lựa chọn đầu tư mới trong giai đoạn cuối năm, trước kỳ nghỉ tết Âm lịch. Bởi tính ra, sau đợt tăng nóng diễn ra cuối năm 2012 và 2 tuần đầu năm 2013, thị trường đã có trọn 1 tuần điều chỉnh vào tuần trước và 2 phiên điều chỉnh mạnh vừa rồi, áp lực chốt lời sẽ giảm.

Hai chỉ số đều tiến dần đến các mức hỗ trợ và bản tin của nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư mở vị thế mua mới thay vì bán ra.

Nhiều nhận định cho rằng, chỉ số CPI của Hà Nội cao hơn CPI của TPHCM được đưa ra đầu tuần đã khiến nhà đầu tư thất vọng do kỳ vọng các chỉ số này ở mức thấp hơn để tạo khoảng trống chính sách cho NHNN tiếp tục hạ lãi suất.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong năm 2013 này, mục tiêu CPI cả năm được Chính phủ đặt ra ở mức thấp hơn, nhưng dư địa cho hạ lãi suất là không còn nhiều, và nếu hạ thì lãi suất cũng không thể hạ mạnh như năm vừa rồi.

Một nguyên nhân khác có thể lý giải cho các phiên điều chỉnh vừa qua là tâm lý bán cổ phiếu để lấy tiền mặt chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết của các nhà đầu tư.

Nếu trong đà tăng nóng, những "đại gia" cầm trong tay cổ phiếu có vốn hóa lớn sẽ nhanh chóng giàu thêm, thì tại thời điểm thị trường điều chỉnh đi xuống, mức thất thoát lớn cũng không tránh khỏi.

Lấy ví dụ, MSN đã có 8 phiên không tăng điểm, với 2 phiên đứng giá và tới 6 phiên giảm điểm. Mức giảm bình quân 2.000 đồng/cp/phiên, riêng phiên 14/1 mất 4.000 đồng. Giá MSN lao tuột từ 120.000 xuống 106.000 đồng/cp. Tính từ cuối tuần trước đến nay, giá MSN đã mất thêm 4.000 đồng, tương ứng, vốn hóa thị trường giảm 2.749 tỷ đồng.

Hay như VNM, mã có tăng trưởng tốt nhất trong năm 2012, cũng đã có 4 phiên liên mất điểm, riêng phiên hôm qua cầm được giá tham chiếu. So với điểm cuối tuần trước, VNM đã mất hơn 1% về giá trị, vốn hóa cũng sụt giảm 555 tỷ đồng. VIC trong hai phiên đầu tuần giảm điểm, cũng đã thất thoát tới 2.500 đồng so với đóng cửa phiên tuần trước, vốn hóa giảm 14.009 tỷ đồng.

BVH diễn biến khó lường, trong phiên chốt tuần 18/1 tăng 700 đồng thì kết quả "đổ sông đổ biển" vì chỉ 2 phiên đầu tuần này đã mất tổng cộng 2.700 đồng mỗi cổ phiếu. Vốn hóa BVH do vậy giảm 1.837 tỷ đồng.

Phiên hôm qua, trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại sau phiên bán ròng ngày 21/1. Tại HSX, mặc dù khối lượng mua ròng không tăng nhưng vẫn duy trì giữa bối cảnh dòng tiền vào thị trường nhìn chung chậm lại.

Chỉ tính riêng phiên hôm qua, các cổ phiếu được nhà đầu ngoại mua ròng mạnh nhất đều là các mã tốt, có triển vọng tăng trưởng dài hạn như HPG, BVH, MSN, VCB, OGC. Các mã này đều bị giảm điểm đáng kể trong phiên điều chỉnh, nhất là BVH và OGC mất tới 3,5% về giá trị.

Việc duy trì vị thế mua ròng của khối ngoại là một dấu hiệu tích cực tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước, và dự kiến, các phiên tới, xu hướng tăng có thể sẽ quay trở lại khi nhà đầu tư xác lập việc mua mới, cũng như khi một số doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục công bố kết quả kinh doanh quý IV cải thiện hơn.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm