Hôm nay là chết cá, chết tôm, mai này còn kinh tế biển nữa không!?
(Dân trí) - Xung quanh câu chuyện cá chết tại các tỉnh miền Trung, lời tuyên bố đầy thách thức và việc xin lỗi chưa làm thỏa mãn người dân Việt Nam cùng nhiều câu hỏi còn bị lãnh đạo Công ty Formosa bỏ lại sau cuộc họp báo chiều nay (26/4), PV Dân Trí đã có cuộc trao đổi nhanh với các chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Nếu cá chết vì độc tố, lấy đâu ra kinh tế biển?
Trao đổi với Dân Trí, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: "Cho dù phía Formosa đã nói lời xin lỗi. Nhưng những gì ông Giám đốc đối ngoại của họ nói trước đó, quả là không chấp nhận được". "Không nước nào có kiểu đánh đổi như Formosa nghĩ, dù chỉ trong suy nghĩ, lời nói chứ chưa đến hành động. Đó là sự lựa chọn cho một nước nhược tiểu, hy sinh tài nguyên đổi lấy tăng trưởng. Chúng ta không thiếu các dự án thép", ông nói.
Theo ông Mại, việc cá chết chỉ là một chi tiết nhỏ đánh động Việt Nam phải cân nhắc giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Khái niệm tăng trưởng xanh, bền vững phải đặc biệt được coi trọng:
"Một khi cá chết, sinh vật biển bị hủy diệt thì kinh tế biển của Việt Nam sẽ chỉ đơn độc một ngành công nghiệp mà thế giới đã dư thừa và công nghệ dùng từ thế kỷ trước. Chúng ta sẽ không ai dám tắm biển, nuôi trồng thủy hải sản đến du lịch biển, đánh bắt cá xa bờ...Ngày nay chết cá, chết tôm, ngày mai chẳng biết sẽ chết cả chiến lược kinh tế biển nữa"
Ông Mại nói thêm: "Trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, đến năm 2020 kinh tế biển phải chiếm 50 - 55% GDP, có nghĩa là cộng của: du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng và khai khoáng, vận tải biển... sẽ chiếm phần nửa tổng thu nhập quốc nội của Việt Nam. Vậy nếu cá cứ chết thì lấy đâu ra kinh tế biển và tăng trưởng cho Việt Nam".
Ông Mại khẳng định: "Tôi lo lắng nhất là hiện các thủ tục và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đang được giao cho các tỉnh. Cái lo nhất của tôi là các địa phương không thực thi quyền lựa chọn và không biết thực thi quyền lựa chọn để nhận những dự án mà chủ đầu tư chỉ hứa hão trong khi phá hủy môi trường sống".
Tôi biết rõ, các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) hiện đều có chiến lược rõ ràng, họ đưa ra phương án 1, phương án 2 và những thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta không để ý và kiểm soát nên chỉ nghe họ đầu tư 1 tỷ USD mà chẳng biết họ cam kết những cái gì,....
Về khu công nghiệp Formosa, ông Mại cho biết: công nghệ làm sắt thép đời cũ, bao giờ cũng gắn với ô nhiễm môi trường. Riêng với Formosa, ban đầu họ muốn làm 20 triệu tấn/năm (tương đương 20 tỷ USD). Tuy nhiên, các cơ quan quản lý và giới chuyên gia khuyến cáo Hà Tĩnh cho họ thực hiện giai đoại 1 chỉ 10 tỷ USD thôi, nếu làm tốt, sẽ cho họ làm giai đoạn 2.
Nay là cá là tôm, mai sẽ là gì?
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta đừng chỉ đặt vấn đề cá tôm hay hải sản chết không, mà đây là vấn đề hủy hoại đến môi trường biển, hủy hoại môi trường sống của cả một vùng biển lớn, một khu kinh tế đặc biệt quan trọng gánh hai đầu cầu tăng trưởng của Việt Nam.
Ông Thiên khẳng định: "Nay chỉ có cá chết nhưng ai biết nay mai sẽ cả hệ sinh thái mất đi. Không ai đánh đổi như kiểu Formosa nói cả".
T.S Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:"Nay là tôm cá, mai là gì ?"
"Để xảy ra hậu quả tệ hại này, tôi cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý quá chậm, đặc biệt là các cơ quan có trách nhiệm như: đầu tư, môi trường và khoa học công nghệ. Tiền kiểm không sát sao, hậu kiểm lại càng tệ khiến hậu quả vô cùng lớn", ông Thiên bày tỏ.
Theo G.S - TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam để xảy ra cá chết, biển bị đầu độc, chính là lỗi của cơ quan chức năng Việt Nam, chúng ta hiện vẫn chưa phát hiện ra nguồn gốc ở đâu dù cả 1 tuần trời rồi. Giữa lúc dư luận đang cực kỳ hoang mang thì doanh nghiệp lại phát ngôn gây xốc như vậy.
Theo ông Thái, hiện các cơ quan chức năng đều khẳng định: không có yếu tố tác động từ động đất, nứt gãy hay dấu hiệu ... Cá chết ở các tỉnh miền Trung là liên quan đến chất độc và có sự tác động của con người.
"Qua sự việc này, chúng ta phải xiết chặt lại đầu tư nước ngoài, không thể giao cả vùng biển tất cả cho một doanh nghiệp mà quản lý lại lỏng lẻo được. Chúng ta không thể trả giá tương lai chỉ bằng 1 cái nhà máy, một dự án. Đất nước này không bao giờ đánh đổi FDI để lấy bất cứ một cái gì, nếu không phải vì lợi ích đất nước. Người dân không bao giờ chấp nhận đánh đổi bất cứ điều gì", ông Thái nhấn mạnh.
Nguyễn Tuyền (Thực hiện)