Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam

(Dân trí) - “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức vào 8h-12h ngày 24/9/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Cổng số 1, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” vào 08h00-12h ngày 24/9/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Cổng số 1, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Chương trình có sự đồng hành của: Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco).

Quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. Qua các năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao (gần 40%) trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế.

Trong đó, ngành cơ khí chiếm hơn 36% tổng số mã ngành cấp 5 của công nghiệp chế biến, chế tạo theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Do đó, đây là ngành góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam - 1

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về thị trường, trình độ khoa học công nghệ, nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực… Do đó, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 32% (theo giá trị) nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Vì vậy, phát triển ngành cơ khí có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam.

“Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam được tổ chức với mục đích tìm kiếm các giải pháp để Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí sẽ giúp giảm nhẹ kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, qua đó hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (nhất là cán cân thương mại) cũng như ngoại tệ đối với những nước nhập khẩu hàng hóa.

Chương trình “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo, cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, với sự tham dự của 350 đại biểu gồm: Lãnh đạo và đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các đơn vị phối hợp, các doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước, các học giả đến từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm