1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hồi hộp chờ IPO của Vietcombank

Kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ra công chúng của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã được xác định là vào tháng 7/2007. Ngày niêm yết cổ phiếu Vietcombank cũng đã được lên kế hoạch sau IPO khoảng 6 - 8 tuần.

Chị N.T.A - một nhân viên cấp cao của Vietcombank cho biết: "Hàng nghìn nhân viên của Vietcombank đang chờ đợi ngày Vietcombank cổ phần hóa. Và vấn đề đang được quan tâm số 1 là mỗi nhân viên sẽ được mua ưu đãi bao nhiêu, với mức giá như thế nào?".

Tuy nhiên, những thông tin này vẫn được coi là một ẩn số khi kế hoạch cổ phần hóa chi tiết, đặc biệt là các quy định về bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ công nhân viên vẫn chưa được đưa ra.

Một nhân viên đã từng công tác tại Vietcombank hơn 20 năm nhận xét: "Việc cán bộ được mua cổ phiếu Vietcombank như thế nào sẽ có tác động không nhỏ đến việc đi hay ở của một số cán bộ trẻ có năng lực. Mức lương hiện nay ở Vietcombank có thể coi là khá thấp nếu so sánh với mức mà các ngân hàng cổ phần đang mời. Đây là chưa kể đến những cơ hội được tặng quyền mua nếu như cán bộ đó được mời sang giữ những vị trí quan trọng ở một ngân hàng cổ phần".

Không chỉ có các nhân viên Vietcombank hồi hộp trước ngày IPO, nhiều nhà đầu tư hiện đang nắm giữ trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng này cũng đang rất hồi hộp. Trần N.T - nhân viên một ngân hàng cổ phần (nhà ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội - người đang sở hữu 120 triệu (mệnh giá) trái phiếu chuyển đổi Vietcombank cho biết: "Tôi đã phải mua trái phiếu với giá 2,8 lần so với mệnh giá mà cũng chưa rõ là số phận của mình sẽ ra sao khi Vietcombank tiến hành IPO. Trước đó, Vietcombank chỉ công bố là chúng tôi sẽ được ưu tiên khi thực hiện mua chứ không nói rõ là tỷ lệ chuyển đổi cũng như các điều kiện ưu tiên cụ thể là như thế nào. Nếu cũng phải đấu giá hệt như các nhà đầu tư bình thường khác thì...".

Trong buổi gặp gỡ với giới báo chí gần đây, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhận xét: "Mức giá tới gấp 3 lần mệnh giá để mua trái phiếu của Vietcombank là không hợp lý (quá cao). Họ (chỉ những người nắm giữ trái phiếu Vietcombank) không được ưu đãi về giá mua so với các nhà đầu tư khác khi đấu giá cổ phiếu của Vietcombank. Đây là chưa kể đến việc lãi suất của trái phiếu Vietcombank ở mức khá thấp (6%/năm) so với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường".

Theo dự kiến, Vietcombank sẽ thực hiện IPO tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM theo phương thức đấu giá công khai. Tổng số cổ phần phát hành mỗi đợt của Vietcombank sẽ không vượt quá 10% so với vốn điều lệ của Vietcombank (kể cả đợt IPO đầu tiên).

Ngay sau khi tiến hành IPO, Vietcombank sẽ tiến hành tìm đối tác chiến lược và bán khoảng 10% vốn điều lệ cho đối tác. Trong giai đoạn một của tiến trình cổ phần hóa, cổ phần của nhà nước tại Vietcombank sẽ vẫn chiếm tới 70% và đến giai đoạn 2 thì tỷ lệ cổ phần của nhà nước sẽ giảm xuống nhưng mức thấp nhất sẽ là 51%.

Theo Hoàng Ly
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm