Hà Nội:

“Hoảng” vì giá cả thị trường Tết Nguyên đán

(Dân trí) - Thị trường Hà Nội dịp Tết Nguyên đán Tân Mão có xu hướng tăng giá ở nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng… Các chuyên gia kinh tế thị trường cho biết tình hình này sẽ “nóng” hơn đến ngày 30 Tết.

Giá tăng “chóng mặt”
 
Ngay trong ngày Tết ông Công, ông Táo, khảo sát của PV Dân trí tại một số chợ nội thành Cầu Giấy (quận Cầu Giấy); Thành Công, Tam Đa, Cống Vị (quận Ba Đình); Khâm Thiên (quận Đống Đa) cho thấy, các loại thực phẩm tươi sống đều tăng giá từ 15 - 20% so với ngày thường.
 
“Hoảng” vì giá cả thị trường Tết Nguyên đán  - 1

Giá rau xanh, thực phẩm trên thị trường tự do càng cận Tết giá càng tăng cao

Trong đó, thịt bò thăn có giá 160.000 đồng/kg, thịt bò mông bán ra 140.000 đồng/kg; giá thịt lợn ba rọi là 75.000 đồng/kg, thịt mông 80.000 đồng/kg, thịt lợn thăn là 90.000 đồng/kg; thịt gà ta ngon là 110.000 đồng/kg, thịt vịt 80.000 đồng/kg; tôm trứng 145.000 đồng/kg, tôm sú 190.000 đồng/kg; cá trắm tăng20%, dao động từ 140.000 - 160.000 đồng/kg;

Su hào giá 8.000 đồng/củ, cải bắp11.000 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, khoai tây tăng từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; hành hoa 20.000 đồng/kg; súp lơ 12.000 đồng/kg; rau cải cúc 10.000 đồng/3 mớ; rau cần 6.000 đồng/mớ…

Chị Tâm - ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết: “Hôm nay mới là Tết ông Công ông Táo mà đã thấy giá cả tăng hơn nhiều so với hôm qua. Tôi cầm tiền đi chợ nên cảm nhận được rất rõ sự tăng giá, trung bình cứ 3 ngày tăng giá 1 lần nên tôi rất lo ngại việc sắm Tết trong những ngày tới đây, có thể tôi sẽ đi sắm Tết sớm hơn mọi năm…”

Tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội), giá gạo bán lẻ đã tăngtừ 15 - 20%, trong đó gạo Bắc Hương được bán với giá 16.000 đồng/kg, gạo Tám Thái là 19.500 đồng/kg, gạo Tám Điện Biên 19.000 đồng/kg, gạo Xi13.000 đồng/kg, loại gạo rẻ nhất là Tạp Giao bán với giá 12.000 đồng/kg.

Trong “guồng” tăng giá nói chung, khi thời tiết đang rét đậm, rét hại kéo dài thì các loại hoa quả cũng được đà tăng giá mạnh: Dưa vàng giá bán 35.000 đồng/kg; cam sành giá bán 40.000 đồng/kg; cam canh bán 25.000 đồng/kg; riêng chuối xanh thờ Tết được bán với giá 30.000 đồng/nải, bưởi thờ Tết 25.000 đồng/quả… Ngoài ra, các mặt hàng khô, đóng gói cũng tăng giá tư 10 - 15%.

Chị Lan - một tiểu thương bán hàng ở chợ Khâm Thiên cho hay: “Dịp cuối năm, giá cả không tăng mới là chuyện lạ. Năm nay trời lại rét mướt, nguồn hàng thực phẩm, rau cỏ giá cả đã tăng sẵn nên từ nay đến Tết chăc chắn giá còn tăng nữa (?!)”.

Trong các siêu thị - nơi được coi là không bao giờ có chuyện mặc cả, giá các mặt hàng ngoài nhóm bình ổn đều tăng từ 10 - 20% so với ngày thường, thậm chí tăng tương đương với thị trường tự do.

“Bình ổn giá chỉ có tính chất an dân… giàu”

Hàng hóa dịp Tết tăng giá và người tiêu dùng là đối tượng phải chịu ảnh hưởng trực tiếp.
 
“Hoảng” vì giá cả thị trường Tết Nguyên đán  - 2
Trong khi đó, ở các siêu thị, trừ nhóm ngành hàng bình ổn thì các mặt hàng khác giá tăng tương đương với thị trường ngoài

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội (nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội), cho rằng: “Nhà nước chỉ có thể kiềm chế, kiểm soát được hơn 10 mặt hàng thiết yếu, chứ không thể quản lý được hàng nghìn mặt hàng khác.

Giá cả hàng hoá giáp Tết tại chợ và siêu thị không thể không tăng. Từ nay (23 tháng Chạp) đến 30 Tết, một số mặt hàng chắc chắn tăng mạnh như: cam sành, gà ta, thịt bò thăn, gạo, rau xanh, chuối, bưởi…”

“Giá siêu thị tăng tương đương với thị trường tự do, vì là bình ổn giá không có nghĩa là kìm giá, mức bình ổn quy định giá bán trong siêu thị phải thấp hơn từ 5 - 10% so với thị trường ngoài. Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng hàng hóa mà trong đó siêu thị là tiêu biểu, phải có sự điều hòa hàng hóa cho phù hợp nhằm cân bằng cung - cầu, quản lý.

Bình ổn chỉ có tính chất an dân, mà đó là 1 bộ phận dân cư giàu có chứ không thể làm thay đổi giá cả thị trường, đó không phải là giải pháp. Hiện Nhà nước đang bình ổn gián tiếp thông qua thương mại, bình ổn trong các doanh nghiệp nhà nước nên những đơn vị ngoài quốc doanh không có sự bảo trợ tỏ thái độ ganh tỵ và cạnh tranh kinh doanh như thị trường tự do” - ông Phú lý giải.

Còn đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay: “Vi phạm về niêm yết giá diễn ra tại các địa phương khá nhiều. Để có thể kiểm soát được giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán thì việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuân thủ các quy định về quản lý giá tại địa phương là một trong những giải pháp trọng tâm”.

Thời điểm cận Tết, khi giá cả thị trường đang leo thang thì vấn đề quy luật cung cầu lại được mổ sẻ. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: “Trong giá cả thì quy luật cung cầu là mạnh nhất, cầu tăng thì cung ắt sẽ tăng, có chính sách bình ổn nhưng đừng để các siêu thị cạnh tranh nhau về giá, phải công khai minh bạch, hàng trong siêu thị phải đưa về nông thôn 70%;

Bài toán giá giải bằng cách bình ổn thì sẽ không ổn mà phải dùng giải pháp áp đảo hàng hóa chứ không phải là áp đảo giá cả, phải làm theo quy luật cung-cầu, quy luật giá trị, quy luật quản lý không chỉ là trước mà cả trong và sau Tết…”

Quỳnh Anh

Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011