Vấn đề kinh tế trong tuần:
Hoang mang lương chuyên gia Nhật 700 triệu đồng; Ngành giao thông bị chê “tắc tư duy”
(Dân trí) - Việc phía Nhật Bản đưa ra yêu cầu phải trả lương cho các chuyên gia trên 30.000 USD/người/tháng tại các dự án ODA đã khiến dư luận xôn xao suốt tuần qua. Trong khi đó, cuộc “đấu tố” của liên minh taxi truyền thông với Bộ GTVT, những tranh cãi về Nghị định 86 vẫn chưa dừng lại.
Trả lương chuyên gia Nhật 700 triệu đồng/tháng: Giá "chát" phận ăn vay
Tuy từ đầu năm ngoái, Nhật Bản đã bắt đầu giảm dần tính ưu đãi cho các khoản vay, song đối tác cho vay lớn nhất của Việt Nam vẫn đặt ra các điều kiện tương đối khắt khe.
Mức lương phía Nhật Bản yêu cầu để lập dự toán các dự án vay vốn tài khóa 2018 của Nhật Bản là khoảng trên 30.000 USD/tháng/người (+-10%), chưa kể các khoản phụ cấp (tính ra mỗi người được trả gần 700 triệu đồng/tháng - PV).
Mức này cao hơn khoảng 20-25% so với mức lương tư vấn nước ngoài bình quân trong các dự án vay vốn ODA, vay ưu đãi của Chính phủ và khoảng gấp đôi so với thu nhập kê khai nộp thuế bình quân của người có quốc tịch Nhật Bản làm việc tại Việt Nam năm 2016.
“Mức lương tư vấn quốc tế trong dự án sử dụng vốn vay Nhật Bản ở mức cao, làm tăng chi phí các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ”, Bộ Tài chính băn khoăn.
Dự án gần 1 tỷ USD bị từ chối: Bí thư thành ủy tiết lộ lý do
Mới đây, Bí thư thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết: Thành ủy sẽ từ chối dự án nhà máy giấy Cửu Long - Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Dự án này, nếu được chấp thuận, sẽ có tổng vốn đầu tư 800 triệu USD triển khai sản xuất giấy và bột giấy tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, với công nghệ được quảng cáo là “hiện đại nhất thế giới, theo tiêu chuẩn công nghiệp 4.0 của châu Âu”.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa rồi cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đầu tư dự án Nhà máy dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL trên địa bàn tỉnh. Đây là lần thứ 4 tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận dự án này.
Tương tự các dự án nhiệt điện, sản xuất axit, xút, ắc quy,.. cũng bị địa phương ghẻ lạnh. Nguyên nhân xuất phát từ nỗi lo ô nhiễm môi trường.
Ngành giao thông không chỉ "tắc đường" mà còn "tắc tư duy, tắc giải pháp"
Đây là chia sẻ của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hãng luật Basico tại Hội thảo về Nghị định 86 về kinh doanh vận tải ô tô đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Vị luật sư cho rằng, dự thảo Nghị định cần được xem lại, làm lại, thừa nhận vai trò của công nghệ, kinh tế sẻ chia trong làm chính sách và xu hướng phát triển.
Chuyên gia Nguyễn Đình Cung cũng bình luận rằng: "Uber và Grab chỉ là hiện tượng của 1 xu thế, nó chỉ là hiện tượng, chúng ta phải nhìn ra bản chất của nó ở đâu. Bản chất là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số".
TS Cung khẳng định: "Uber vốn hóa thị trường 60 - 70 tỷ USD. Grab là khoảng 6 - 7 tỷ USD. Họ huy động tiền 1 - 2 tỷ USD đầu tư rất dễ dàng. Chúng ta muốn hay không muốn chúng vẫn tồn tại. Làm sao để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia được vào xu hướng này".
Taxi truyền thống "đấu tố" Bộ Giao thông, sợ phá sản vì taxi công nghệ, Grab
Mới đây, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đồng soạn thảo, liên minh soạn đơn kiến nghị gửi Chính phủ, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội vì cho rằng việc thử nghiệm taxi công nghệ là sai lầm. Nhóm này công khai phê phán chính sách của Bộ GTVT, đề nghị Chính phủ, xem xét đưa ra điều kiện với xe hợp đồng điện tử (kiểu như Uber và Grab).
"Bộ GTVT nhìn nhận Grab là đơn vị cung cấp phần mềm đơn thuần đã tạo ra bất bình đẳng rất lớn về điều kiện kinh doanh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, Grab hưởng mức VAT 0% trong khi taxi truyền thống chịu 10%. Điều này khiến taxi truyền thống khó khăn nhất từ trước đến nay", văn bản của Hiệp hội taxi Hà Nội nêu.
Hiệp hội cho rằng, Bộ GTVT có 10 sai lầm, thiếu sót trong quá trình gần đây, trong đó không tiếp thu kiến nghị khống chế số lượng xe thí điểm mà cho thí điểm 5 thành phố lớn khiến tăng xe con gấp 3 lần.
Bích Diệp (tổng hợp)