Hoảng loạn bán tháo, VN-Index giảm mạnh nhất lịch sử
(Dân trí) - Trước áp lực bán giải chấp, VN-Index tiếp tục lao dốc trong phiên chiều, có lúc đánh mất hơn 76 điểm, cũng là mức thiệt hại (tính theo mức giảm tuyệt đối của chỉ số) lớn nhất trong lịch sử TTCK.
Cú hồi nhẹ cuối phiên sáng 12/7 đã không thể giúp tâm lý nhà đầu tư trên thị trường ổn định hơn. VN-Index tiếp tục lao dốc trong phiên chiều, có lúc đánh mất hơn 76 điểm, cũng là mức thiệt hại (tính theo mức giảm tuyệt đối của chỉ số) lớn nhất trong lịch sử thành lập thị trường chứng khoán.
Trước đó, trong phiên 28/1, VN-Index cũng từng giảm hơn 70 điểm song mức giảm tuyệt đối vẫn "nhẹ" hơn so với phiên này. Cổ phiếu nằm sàn la liệt.
Tại thời điểm 14h13, thị trường ghi nhận có 879 mã giảm giá, 257 mã giảm sàn. Lúc này, VN-Index giảm 5,41%. HNX-Index giảm 5,75%. UPCoM-Index giảm 5,12%.
Lưu ý rằng, với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu trên sàn UPCoM thì thiệt hại sẽ gấp đôi so với cổ phiếu sàn HSX. Cổ phiếu trên sàn HSX giảm sàn chỉ khoảng 7% nhưng trên UPCoM có thể giảm tới 15% và trên HNX có thể giảm 10%.
Đặc biệt là nếu nhà đầu tư sử dụng margin để mua cổ phiếu có biên độ giảm lớn thì khi bị bán giải chấp, thiệt hại sẽ nhân đôi, hay là "lỗ kép". Một số mã trong rổ VN30 đang rơi vào tình trạng giảm sàn, có mã còn trắng bên mua là BID, CTG, HPG, SSI, TCB, TCH, POW.
Trước đó, trong phiên sáng, cổ phiếu cũng bị bán mạnh. VN-Index "trôi tuột", bẻ gãy mọi ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Sau khi thủng 1.330 điểm, lực đạp mạnh đẩy VN-Index tuột khỏi mốc 1.300 điểm về vùng 1.274 điểm.
Nhìn vào đồ thị chỉ số chính thấy rằng, cứ mỗi lần chỉ số bị đạp mạnh về những ngưỡng quan trọng sẽ lại có một nhịp hồi nhẹ nhưng ngay sau đó, áp lực giải chấp lại khiến chỉ số quay đầu giảm sâu hơn.
Chính vì vậy, mặc dù có lực bắt đáy song nhìn chung nhà đầu tư cầm tiền mặt vẫn chưa thực sự yên tâm giải ngân lớn mà chỉ mua thăm dò, nhỏ giọt.
Tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index ghi nhận mức thiệt hại 55,76 điểm tương ứng 4,14% còn 1.291,38 điểm. Trong khi đó, VN30-Index bị "thổi bay" 61 điểm, 4,08%, còn 1.433,43 điểm.
HNX-Index giảm 15,59 điểm tương ứng 5,08% còn 291,14 điểm. UPCoM-Index giảm 3,56 điểm tương ứng 4,09% còn 83,53 điểm.
Ghi nhận của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, sàn HSX có tới 376 mã giảm, 51 mã giảm sàn so với 16 mã tăng; HNX có 201 mã giảm 29 mã giảm sàn so với 23 mã tăng giá. Tương tự, UPCoM cũng có đến 220 mã giảm so với 48 mã tăng. Riêng VN30 không hề có mã nào tăng giá.
Nhiều mã trụ cột như BID giảm 6%; BVH giảm 5,1%; CTG giảm 6,8%; FPT giảm 4,2%; HDB giảm 4%;HPG giảm 5,8%; MBB giảm 3,7%; POW giảm 5,6%. Ngay cả PNJ cũng giảm 3,4%; MWG giảm 1,4% và MSN giảm 1,7% dù những phiên trước đó, các mã này vẫn tăng giá bất chấp thị trường điều chỉnh sâu.
Điểm tích cực là trong số này có những mã đã thoát sàn như BID, BVH, CTG, HDB, HPG.
Thanh khoản đạt 19.209,18 tỷ đồng trên HSX cho thấy có lực bắt đáy song dòng tiền vẫn chưa thật sự bứt phá, khối lượng giao dịch đạt 611,68 triệu đơn vị. HNX có 114,5 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.399,94 tỷ đồng và UPCoM-Index là 53,6 triệu cổ phiếu tương ứng 886,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động "vào hàng" của nhà đầu tư cá nhân nhìn chung vẫn thận trọng. Lượng hàng bắt đáy nhiều khả năng với mục đích "lướt T0", trong đó có các "tay to", do đó, việc thị trường đã tạo đáy ngắn hạn xong chưa vẫn là câu hỏi để ngỏ.
"Những ai đã trải qua thị trường năm 2018 mới hiểu được vì sao rất nhiều nhà đầu tư vẫn chưa vội vàng bắt đáy. Bởi như đã thấy, khi thị trường có những phiên chỉnh mạnh ở tuần trước, việc bắt đáy càng khiến tài khoản thiệt hại nặng hơn" - anh Phan Minh Trường, một nhà đầu tư lâu năm cho hay.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Lâm, môi giới chứng khoán của một công ty chứng khoán trụ sở tại TPHCM cho rằng, việc chỉ số rớt mạnh sáng nay chủ yếu do áp lực margin call. Theo đó, ngưỡng 1.270-1.275 điểm của VN-Index, nhà đầu tư có thể canh mua lướt với tỉ trọng nhỏ, không bán bằng mọi giá.