Hoang lạnh "thiên đường" Thăng Long: Nơi chôn tiền đại gia

Đi trên con đường đại lộ Thăng Long vào chập tối, người ta cảm thấy rùng mình bởi sự lạnh lẽo của hàng trăm biệt thự bỏ hoang, chưa bao giờ sáng đèn vào buổi tối. Tương lai về một thành phố mới sầm uất ở phía Tây vẫn còn chờ thời gian dài.

Thiên đường hoang lạnh

Từng là khu vực có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất của Hà Nội 5 năm trước, thị trường BĐS phía Tây Thủ đô đã trải qua thời kỳ trầm lắng khá dài. Cụ thể, tại xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), chỉ trong khoảng 2 năm (2006-2007), đất nông nghiệp của 4/5 thôn bị lấy để phục vụ cho 6 dự án đô thị mới. 6 dự án đô thị mới ở An Khánh đều là mẫu nhà ở cao cấp, diện tích từ 100-300 m2/căn, thiết kế theo kiến trúc hiện đại.

Nhưng đến thời điểm này, từ đường Lê Trọng Tấn đến khu đô thị Nam An Khánh, nhiều biệt thự đã xây xong phần thô, thậm chí đã hoàn thiện nhưng vẫn bỏ không. Đi sâu vào bên trong là các dãy đã xây xong phần thô để hoang, cỏ dại mọc đầy. Trên những tuyến phố chính của khu đô thì là những vũng nước lầy lội, nắp hố ga mở miệng rộng ngoác nằm chình ình giữa đường. Kể cả những căn nhà đã hoàn thiện thì vẫn đóng cửa im lìm suốt ngày.

Những dãy biệt thự ma bỏ hoang trong nhiều năm (ảnh: Tuấn Linh)
Những dãy biệt thự "ma" bỏ hoang trong nhiều năm (ảnh: Tuấn Linh)

Một người dân đã về ở khu Nam An Khánh chia sẻ: “Ai yếu bóng vía là không ở được. Buổi tối nhìn những dãy nhà hun hút hoang vắng, dù không có ma nhưng cũng phải rùng mình”. Đa số các căn nhà trị giá ngót nghét cả chục tỷ đồng tại khu đô thị vẫn cửa đóng then cài. 

Thời sốt đất năm 2009, hàng loạt các kios đông nghẹt người tới đặt tiền tranh suất tại các sàn bất động sản. Mỗi suất biệt thự, nhà liền kề tại An Khánh dù có giá từ vài tỷ đến vài chục tỷ vẫn bán chạy, “đắt như tôm tươi”. Nhà liền kề của dự án đô thị Gleximco có giá gốc là 28 triệu đồng/m2, nhưng giá thị trường có thời điểm lên đến 45 triệu đồng/m2. Hay giá đất nền gốc biệt thự của dự án Nam An Khánh là 47 triệu đồng/m2, nhưng giá bán trên thị trường năm 2010 lên tới 80 triệu đồng/m2.

Các dự án đã bàn giao nhà nhưng thiếu hạ tầng khiến người dân không thể về ở. (ảnh: Tuấn Linh)
Các dự án đã bàn giao nhà nhưng thiếu hạ tầng khiến người dân không thể về ở. (ảnh: Tuấn Linh)
 
Khu đô thị không bóng người khiến không ít người phải rùng mình. (ảnh: Tuấn Linh)
Khu đô thị không bóng người khiến không ít người phải rùng mình. (ảnh: Tuấn Linh)
 
Không ít dự án dở dang thì thiếu vốn. (ảnh: Tuấn Linh)
Không ít dự án dở dang thì thiếu vốn. (ảnh: Tuấn Linh)

Tai tiếng nhất ở đại lộ BĐS này là dự án Tricon Tower do Minh Việt làm chủ đầu tư. Theo đúng kế hoạch, dự án đã bàn giao nhà tuy nhiên cho tới nay vẫn đang bất động ở phần móng và bỏ hoang, sắt thép đã hoen gỉ. Khu nhà trưng bày mô hình dự án trên đại lộ Thăng Long cũng bị bỏ hoang. Trụ sở Công ty CP Đầu tư Minh Việt đi thuê cũng đã bị tháo dỡ bảng tên.

Chưa hết khốn khó

Khảo sát các dự án khu vực này, sau thời gian dài lao dốc, giá vẫn giảm dù tốc độ giảm đang dần chậm lại trên thị trường thứ cấp. Theo đánh giá của đại diện một sàn BĐS, Thăng Long Number 1 và Spendora là hai dự án có số lượng giao dịch tích cực trong hai quý gần đây. Thăng Long Number 1 có mức giá chào bán đợt gần đây nhất dao động từ 2,8 tỷ đồng/căn. Chủ đầu tư cũng đã lùi thời gian giao nhà vào quý III/2014.

Biệt thự Spendora đang giao dịch trên thị trường thứ cấp với mức chênh khoảng 3 tỷ đồng/căn. Theo đánh giá của đại diện CBRE, mức giá này cao hơn so với giá mua vào nhưng tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp bởi số tiền đầu tư trong thời gian dài. Ở thời kỳ sốt, một căn biệt thự rộng 300m2 có mức chênh lên tới 12 tỷ đồng. 

Tương lai những khu đô thị sầm uất còn rất xa. (ảnh: Tuấn Linh)
Tương lai những khu đô thị sầm uất còn rất xa. (ảnh: Tuấn Linh)

Đầu quý II/2014, dự án ngôi nhà mới gây sốc khi tung ra thị trường đất nền, biệt thự, liền kề với mức giá từ 1,6 tỷ đồng/căn. Công ty Phúc Hà tái khởi động dự án Phuc Ha City Garden  và đưa ra thị trường các căn hộ chung cư Thăng Long Victory với giá 12,5 triệu đồng/m2.

Nhận định về thị trường BĐS khu vực đại lộ Thăng Long, ông Lê Minh Dũng - GĐ CBRE VN cho rằng, các dự án thiếu bóng người ở, đặc biệt là khu vực Nam An Khánh do hạ tầng chưa hoàn thiện, không có quản lý chuyên nghiệp. Chất lượng dự án cũng như quy mô kém hơn hẳn. 

Theo ông Dũng, trước đây, UBND TP. Hà Nội có hướng dịch chuyển phát triển BĐS ở phía Tây, đặc biệt là đại lộ Thăng Long kỳ vọng với những dự án như Nam An Khánh, Spendora,... sẽ tạo nên một thành phố mới ở khu vực này. Tuy nhiên, thực tế lại phát triển mạnh hơn ở phía Đông. 

Một nguyên nhân khác được ông Dũng đưa ra là sự tiện lợi của đại lộ Thăng Long sau khi đi vào sử dụng không dạt như kỳ vọng ban đầu. Các tiện ích khác như trường học, trung tâm thương mại, bệnh viện đều không có.

Đánh giá của các chuyên gia, các dự án BĐS dọc đại lộ Thăng Long đóng băng trong thời gian qua là hậu quả của làn sóng đầu cơ, làm méo mó thị trường. Để thị trường BĐS khu vực này quay trở lại thời kỳ huy hoàng chắc chắn sẽ còn chờ đợi thời gian dài. 

Theo D.Anh
Vietnamnet
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”