Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long nợ một nữ đại gia 325 tỷ đồng

Mai Chi

(Dân trí) - Khoản vay dài hạn 325 tỷ đồng của Hòa Phát với người này có thời gian đáo hạn ngay trong năm 2024. Dư nợ vay dài hạn của Hòa Phát với một số đối tác giảm khá mạnh.

Theo thông tin thể hiện tại thuyết minh báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất đã được kiểm toán năm 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, tại ngày 31/12/2023, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long còn 18.075 tỷ đồng vay dài hạn. Con số trên ít hơn 721,6 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Danh sách các chủ nợ lớn của Hòa Phát đáng chú ý có một cá nhân là bà N.T.T.H. Bà này đang cho Hòa Phát vay dài hạn 325 tỷ đồng. Khoản vay không thay đổi so với đầu năm 2023, đáo hạn trong năm 2024 nhưng không ghi chú thời điểm cụ thể.

Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long nợ một nữ đại gia 325 tỷ đồng - 1

Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát (Ảnh: Tiến Tuấn).

Các chủ nợ dài hạn khác đều là tổ chức. Trong năm 2023, khoản nợ dài hạn tại Ngân hàng BNP Paribas bằng USD trị giá 1.460,3 tỷ đồng đã được tất toán, song khoản nợ dài hạn với Vietcombank - chi nhánh Thành Công (đáo hạn vào 2025-2030) đã tăng từ 5.164,5 tỷ đồng lên 8.859,5 tỷ đồng.

Dư nợ vay dài hạn với một số đối tác giảm khá mạnh. Tại VietinBank chi nhánh Hà Nội (đáo hạn năm 2025) giảm từ 5.199,4 tỷ đồng xuống 2.424,4 tỷ đồng; tại Ngân hàng TNHH Woori Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh (đáo hạn 2024-2026) giảm từ 761,8 tỷ đồng xuống còn 413,6 tỷ đồng; tại Techcombank giảm từ 783,6 tỷ đồng xuống còn 615,3 tỷ đồng…

Hòa Phát cho biết, các khoản vay dài hạn bằng VND chịu lãi suất từ 2,6% đến 12%/năm; được đảm bảo bằng một số tiền gửi có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng, hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình và vô hình và xây dựng cơ bản dở dang của một số dự án thuộc tập đoàn…

Tại ngày 31/12/2023, tập đoàn có 187.782,6 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 17.447 tỷ đồng so với đầu năm;  tổng nợ phải trả ở mức 84.946,2 tỷ đồng, tăng 10.723,6 tỷ đồng, riêng nợ ngắn hạn lên tới 71.513,5 tỷ đồng, tăng 9.128 tỷ đồng.

Năm 2023, Hòa Phát đạt 118.953 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 84,1% năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.800,4 tỷ đồng, giảm 19,5% so với năm 2022. Các con số này không có chênh lệch so với báo cáo công ty tự lập.

Giải trình cho kết quả kinh doanh sụt giảm, phía tập đoàn này cho biết, ngành sản xuất kinh doanh thép đóng góp hơn 90% vào kết quả kinh doanh hợp nhất. Trong năm 2023, kết quả kinh doanh nhóm thép suy giảm so với năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao, giá thép giảm, đồng thời với biến động tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG đóng cửa phiên cuối tháng 3 tại 30.250 đồng, tăng hơn 8% so với đầu năm và tăng hơn 45% so với thời điểm 1 năm trước. Giá trị tài sản của ông Trần Đình Long theo cập nhật của Forbes đạt 2,5 tỷ USD, là "tỷ phú USD" giàu thứ 3 Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng (4,6 tỷ USD) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,8 tỷ USD).