Hoa hậu "đại gia" lại giàu to vì cổ phiếu
(Dân trí) - Tuần qua, thông tin về các đại gia Việt rất được bạn đọc quan tâm. Đáng chú ý, hoa hậu Mai Phương Thuý liên tục thắng lớn vì giá cổ phiếu được rất nhiều độc giả đón đọc.
Thiếu nhân sự, công ty của bà Nguyễn Thanh Phượng bị xử phạt
Trong bản thông báo mới công bố, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management - VCAM) không đảm bảo cơ cấu nhân sự tại bộ phận kiểm soát nội bộ theo quy định.
Theo đó, bộ phận kiểm soát nội bộ của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt không có nhân viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán hoặc kiểm toán, nên đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 212/2012/TT-BTC ngày 5/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty quản lý quỹ.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty của bà Nguyễn Thanh Phượng . Mức tiền phạt là 85 triệu đồng.
“Choáng” với quyền lực của ông Vượng trong lĩnh vực bán lẻ
Được “kích hoạt” nhịp hồi phục trong phiên cuối tuần trước, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup sáng 30/9 tăng khá mạnh thêm 1.100 đồng, tương ứng 0,92% lên 120.900 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, vốn hoá thị trường của VIC đạt 404.523,6 tỷ đồng, vượt xa các doanh nghiệp lớn khác trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Thông tin trên thị trường sáng nay cũng hỗ trợ đáng kể cho VIC. Với việc Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore có thể đã chi ra 500 triệu USD để đổi lấy 16,26% cổ phần Công ty cổ phần phát triển thương mại và dịch vụ VCM (công ty mới được thành lập đang sở hữu 100% vốn Vincommerce, đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng Vinmart+) thì định giá đối với VCM của ông Phạm Nhật Vượng có thể đã lên tới 3,08 tỷ USD (71.300 tỷ đồng), vượt qua nhiều “ông lớn” bán lẻ khác trên thị trường.
“Bàn tay” của nữ đại gia “mất tích bí ẩn” tại Tân Tạo
Thời gian qua, giá cổ phiếu ITA vẫn loanh quanh trong vùng giá 3.100 - 3.300 đồng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đại học Tân Tạo công bố đã mua được 9,1 triệu cổ phiếu ITA trong tổng số 10 triệu cổ phiếu mà đơn vị này đã đăng ký, đạt tỷ lệ 91%. Nguyên nhân không giao dịch hết được giải thích do chưa phù hợp về giá giao dịch. Giao dịch được thực hiện trong ngày 24/9.
Với giao dịch nói trên, Đại học Tân Tạo hiện đã tăng nắm giữ tại Tân Tạo lên 82,9 triệu cổ phiếu tương ứng 8,84% vốn điều lệ. Bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Tân Tạo đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Tân Tạo, đang sở hữu 54,3 triệu cổ phiếu ITA (tương ứng tỷ lệ 5,79% vốn điều lệ).
Vào đầu tháng 10, tại Tân Tạo diễn ra biến động về nhân sự khi bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đã ký quyết định bổ nhiệm chức vụ kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1987) kể từ 1/10.
Bà Hoa vốn là Trưởng ban Kiểm soát của Tân Tạo. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, bà Hoa đã bán toàn bộ hơn 3,21 triệu cổ phiếu ITA (tương ứng 0,34% vốn điều lệ công ty) và không còn là cổ đông của Tân Tạo. Giao dịch này diễn ra ngày 15/9.
Đại gia BOT hào phóng chi 400 tỷ đồng cho "người lạ"
CTCP BOT Cầu Thái Hà (BOT) vừa thông qua nghị quyết chào bán riêng lẻ 8,5 triệu cổ phiếu BOT (so với 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành) cho các nhà đầu tư chiến lược với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thời điểm phát hành là quý IV/2019. Số tiền thu được sẽ được dùng để thanh toán nợ vay và nợ thuê tài chính hiện tại của công ty. Sau phát hành, BOT Cầu Thái Hà sẽ nâng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng hiện nay lên 485 tỷ đồng.
Thông tin BOT phát hành cổ phiếu không bất ngờ bởi đã được đề cập trong ĐHCĐ 2019. Tuy nhiên, mức giá phát hành 10.000 đồng/cp thấp hơn nhiều so với thị giá 54.300 đồng/cp trên TTCK. Bên cạnh đó, danh sách nhà đầu tư đăng ký mua bao gồm 5 cá nhân đều không có tên trong danh sách lãnh đạo công ty.
Với mức chênh lên tới 44.300 đồng/cp, các cổ đông hiện hữu của BOT thiệt gần 377 tỷ đồng.
Chưa rõ đại gia thực sự đứng sau doanh nghiệp xây dựng cầu đường BOT Thái Hà, nhưng ông Ngô Tiến Cương và người liên quan đang đứng tên sở hữu phần lớn doanh nghiệp có quy mô vốn 400 tỷ đồng và quy mô vốn hóa thị trường trên 2,1 ngàn tỷ đồng.
Liên tục vay hàng trăm tỷ đồng, ông Đặng Thành Tâm đã có “bảo bối” mới?
Cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm , sáng nay quay đầu giảm, mất 0,65% còn 15.250 đồng/cổ phiếu.
Mã này diễn biến tiêu cực bất chấp thông tin Hội đồng quản trị công ty đã thông qua phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp.
Trái phiếu này có kỳ hạn tối đa 18 tháng và dự kiến phát hành trong quý IV. Lãi suất trái phiếu là 10,5%/năm với 2 kỳ tính lãi đầu tiên và 3,8%/năm cộng thêm lãi suất tham chiếu cho các kỳ tính lãi tiếp theo.
Nguồn tiền thu được lãnh đạo KBC cho biết sẽ sử dụng linh hoạt cho các mục đích như tăng quy mô vốn hoạt động, thực hiện đầu tư vào các chương trình, dự án của công ty.
Mai Phương Thuý lại “giàu to” vì cổ phiếu
Cổ phiếu VCB sáng 1/10 tăng 1.100 đồng tương ứng 1,34% lên 83.200 đồng và lấy lại toàn bộ những gì đã đánh mất trong phiên hôm qua. Trong phiên này, có lúc VCB còn chạm tới mức giá 83.600 đồng. Đây tiếp tục là mức đỉnh lịch sử của VCB.
Với việc cổ phiếu VCB liên tục lập kỷ lục về giá, cái tên được giới đầu tư liên tục nhắc tới trong thời gian này là hoa hậu Mai Phương Thuý. Cách đây ít lâu, Mai Phương Thuý từng cho biết sẽ “ăn bằng lần” với cổ phiếu VCB khi tuyên bố giữ mã này đến lúc vượt 80.000 đồng. Mức giá mà cô mua vào VCB ở khoảng 40.000 đồng - 50.000 đồng.
Mới đây, với việc chia sẻ một bài báo của Bloomberg “cảnh báo rủi ro nếu Việt Nam không đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hạ tầng cảng”, Mai Phương Thuý đính kèm bình luận cho biết mình đã theo dõi các cảng trong 5 năm, gián tiếp khẳng định việc đầu tư vào cổ phiếu cảng biển.
Một môi giới có tiếng trên thị trường từng tiết lộ Mai Phương Thuý đã đầu tư MWG của Thế Giới Di Động từ nhiều năm trước và đã ăn lãi bằng lần (mã này hiện cũng đang liên tục lập đỉnh mới). Còn còn mua VJC của VietJet từ lúc mới lên sàn và cũng “ăn bằng lần”; mua VGI của Viettel Global từ vùng 14.000 hồi năm ngoái và hiện đang nắm giữ.
Cũng theo người này, năm 2017-2018, Mai Phương Thuý đã “ăn trọn sóng” VPB của VPBank. Sau đó là thành công tại VCS, VCB, HPG… cùng một số khoản đầu tư không tiện tiết lộ.
Thế Hưng