1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hỗ trợ đến 20 tỷ đồng trong phát triển công nghiệp

Trần Lê

(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa vừa có chủ trương về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh này trong giai đoạn 2022 - 2026.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (sau đây gọi chung là cụm công nghiệp, viết tắt là CCN) là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật CCN.

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN được xem xét hỗ trợ khi bảo đảm các điều kiện CCN thuộc quy hoạch phát triển CCN được UBND tỉnh phê duyệt trừ CCN nằm trên địa bàn các thành phố, thị xã; CCN chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ nguồn ngân sách nhà nước; diện tích chủ đầu tư thuê đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN tối thiểu 10 ha; riêng CCN trên địa bàn huyện Mường Lát và CCN làng nghề tối thiểu 5 ha; CCN đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và được Nhà nước cho thuê đất.

Hỗ trợ đến 20 tỷ đồng trong phát triển công nghiệp - 1

Tỉnh Thanh Hóa có chủ trương về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh này trong giai đoạn 2022 - 2026 (Ảnh: CTV).

Chủ đầu tư được hỗ trợ một lần kinh phí để đầu tư các hạng mục như: San lấp mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của CCN.

Mức hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc địa bàn các huyện 30a (trừ các CCN có ranh giới tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh); riêng CCN thuộc địa bàn huyện Mường Lát hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha. Mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng/CCN.

Hỗ trợ 0,7 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện miền núi còn lại và các CCN của các huyện 30a có ranh giới tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh. Mức hỗ trợ tối đa không quá 15 tỷ đồng/CCN.

Hỗ trợ 0,5 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện đồng bằng và các huyện ven biển; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/CCN. 

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng có chính sách Về hỗ trợ đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Cụ thể, hỗ trợ đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào khu vực miền núi. Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Điều kiện để được hỗ trợ là dự án chưa được hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; dự án thuộc danh mục các lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khuyến khích đầu tư vào các huyện miền núi của tỉnh ban hành kèm theo Nghị quyết này; dự án đã đi vào sản xuất trên phần diện tích đã được Nhà nước cho thuê đất.

Doanh nghiệp được hỗ trợ một lần kinh phí để thực hiện các công việc: San lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải.

Theo đó, hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện 30a; hỗ trợ 0,7 tỷ đồng/ha đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện miền núi còn lại. Mức hỗ trợ tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án.

Về trình tự thực hiện chính sách, chủ đầu tư, doanh nghiệp nộp trực tiếp (hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích) hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chuyển hồ sơ về Sở Công Thương để xem xét giải quyết.

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách nêu trên từ nguồn ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2026.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm