HNX-Index đảo chiều tăng điểm, thanh khoản lùi sâu
(Dân trí) - Thị trường "xanh vỏ đỏ lòng" khi hai chỉ số tăng điểm trong khi số mã mất điểm vẫn chiếm đa số. Thanh khoản lùi sâu, giao dịch chậm chạp. Nhà đầu tư đang chờ quỹ FTSE công bố việc điều chỉnh danh mục dự kiến vào chiều nay.
Sau khi bất ngờ giảm điểm phiên sáng, HNX-Index đã đảo chiều lấy lại đà tăng 0,22 điểm tương ứng 0,35% lên 62,78 điểm vào cuối phiên hôm nay. Trong khi đó, VN-Index vẫn giữ được biên độ tăng 2,59 điểm tương ứng 0,55% lên 477,15 điểm.
Tuy nhiên, mặc dù hai chỉ số đều tăng nhưng số mã tăng trên hai sàn vẫn đuối hơn số mã giảm, khiến thị trường rơi vào tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng": với 87 mã tăng, 101 mã giảm trên HSX và 95 mã tăng, 99 mã giảm trên HNX.
Thanh khoản thị trường toàn phiên khiêm tốn dưới 1.000 tỷ đồng. HSX có 48,4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng trị giá giao dịch 649,9 tỷ đồng. Còn HNX cũng chỉ có hơn 40 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, tương ứng 313,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân thị trường giao dịch chậm lại được giải thích do nhà đầu tư đang chờ FTSE công bố danh mục đầu tư, từ đó sẽ tác động mạnh đến diễn biến giá của các cổ phiếu mới được thêm vào hoặc sẽ bị loại bỏ khỏi danh mục đầu tư của quỹ ETF.
Nhà đầu tư đang trong tâm lý chờ đợi.
Nhìn chung, thị trường đang có được lực đỡ đáng kể về giá của các mã lớn trên sàn. Trong VN30, chỉ với 12 mã tăng điểm song cũng đã giúp VN30-Index được đẩy lên hơn 2 điểm tương ứng tăng 0,37%.
Đáng chú ý, khởi đầu tháng 3, cổ phiếu CTG của Vietinbank đã lấy được đà tăng trở lại sau khi giảm 1.100 đồng/cp ngày hôm qua do bị khối ngoại bán ròng hơn 2,7 triệu cổ phiếu.
BVH tăng mạnh 3.000 đồng trong khi PVF tăng trần, MSN tăng 1.000 đồng, các mã như VCB, PGD, OGC, STB... đều tăng điểm.
Trong diễn biến của khối ngoại phiên chiều, nhóm nhà đầu tư này bất ngờ mua vào một khối lượng cực lớn cổ phiếu VIC của Vingroup. Có tới 4,1 triệu cổ phiếu VIC đã được nhà đầu tư ngoại mua vào, trong khi khối lượng khớp chỉ đạt 132,41 nghìn cổ phiếu, giữa lúc cổ phiếu này mất giá 1.000 đồng trong phiên.
Bảng điện tử cho thấy, hơn 4 triệu cổ phiếu VIC đã được các nhà đầu tư ngoại mua vào thông qua phương thức thỏa thuận tại mức giá tham chiếu 67.000 đồng. Trị giá lô thỏa thuận lên tới 270,67 tỷ đồng. Số cổ phiếu này được chào bán lúc 11giờ 20 phút, đến 13 giờ 44 phút phiên chiều thì được bên mua "quét gọn".
Ngoài ra, trong phiên, còn có gần 2,9 triệu cổ phiếu SJS cũng được thỏa thuận tại mức tham chiếu, giá trị giao dịch hơn 60 tỷ đồng.
Trở lại với danh mục mua của khối ngoại phiên này, các cổ phiếu được ưa chuộng phần lớn vẫn nằm trong Top30 cổ phiếu đứng đầu sàn TPHCM. Cụ thể có CTG, DPM, STB, HPG, VCB, OGC, BVH, PVF, GMD và HAG. Ngoài trừ PVF khớp lệnh đạt 1,17 triệu cổ phiếu và CTG khớp 1,13 triệu cổ phiếu thì các mã còn lại khớp lệnh đều dưới 1 triệu cổ phiếu.
Trong rổ HNX30, cổ phiếu có khớp lệnh lớn nhất thị trường hiện nay vẫn là SHB, song đã giảm mạnh so trước đây, chỉ đạt gần 8 triệu cổ phiếu. PVX và SCR khớp xấp xỉ mức 4,8 triệu cổ phiếu, VND khớp trên 2 triệu. Có 3 cổ phiếu khác khớp trên 1 triệu đơn vị là PVL, VCG và KLS.
Khối ngoại tăng mua ở nhóm này, song cũng chỉ có 5 cổ phiếu lọt vào tầm ngắm là SHB, PVS (được mua hơn 700 nghìn cổ phiếu) và PVX, KLS, VCG (hơn 1 triệu cổ phiếu mỗi mã).
Ngoài những tác động từ việc điều chỉnh danh mục ETF thì thị trường trong phiên hôm nay cũng như các phiên tới sẽ còn chịu tác động từ những thông tin vĩ mô.
Hôm qua, tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm xuống còn 6% từ mức 8,82% công bố tháng 10 năm ngoái.
Giảm nợ xấu sẽ là điều kiện để kích thích tín dụng ra nền kinh tế, mục tiêu đạt 12% vào cuối năm, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn. Ngoài ra, Chính phủ cũng chủ trương kiềm lạm phát ở mức thấp nhằm có cơ sở hạ tiếp lãi suất trong năm nay.
Tính đến ngày 21/2/2013, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 3,31% so với tháng 12/2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 1,84%.
Mai Chi