1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hiệp hội Dệt may than "quá sức chịu đựng" nếu tăng lương

(Dân trí) - Với lý do các doanh nghiệp (DN) dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức nên Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) đã đề nghị xem xét lại tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

Chiều ngày 3/8, Hiệp hội dệt may Việt Nam đã tổ chức họp báo về “Quan điểm của Hiệp hội Dệt may Việt Nam về tăng lương tối thiểu vùng năm 2016”.

aweb-1432604026490-4e798

Theo VITAS, tăng lương sẽ tăng thêm nhiều khó khăn hơn cho doanh nghiệp và người lao động

Theo lý giải của lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện các DN dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều sức ép cạnh tranh về hàng, giá điện, than, phí và phụ phí cảng và tầu biển… tăng. Nếu năm 2016, lương tối thiểu vùng được tăng sẽ đi đôi với tăng tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm và ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp (DN) và người lao động. Đặc biệt, tiền lương tối thiểu vùng chỉ tính từ ngày 1/1/2010 đến nay đã tăng 2,2 - 2,3 lần.

Trước đó, ngày 17/7/2015 Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Hội đồng Tiền lương Quốc gia về đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016. Theo đó, các mức lương tối thiểu của 4 vùng năm 2016 dự kiến sẽ được tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhằm bảo đảm đời sống cho người lao động, giúp họ an tâm lao động sản xuất.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: Hiện nay, DN phải trích nộp 24% gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,..bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn, người lao động phải đóng 10,5% và 1% đoàn phí nếu là đoàn viên công đoàn. Số tiền người lao động đóng thực chất DN cũng phải lo để người lao động có tiền lương thực tế đủ trang trải, cải thiện cuộc sống và gắn bó với doanh nghiệp.

Ông Cẩm cho hay: Hiệp hội đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp, tất cả các doanh nghiệp đều không đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng, thậm chí còn cho rằng không nên tăng. Trước đây, nhiều người lầm tưởng rằng tăng lương tối thiểu người lao động được hưởng lợi song thực tế không phải như vậy. Đúng là người lao động có mức lương thấp được nâng lên nhưng chỉ chiếm 10%, còn lại doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tồn tại. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và yếu, không có lãi.

"Nếu tăng thì đề xuất khoảng cách vài năm tăng một lần, chứ tăng như thế này thì thật là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn như hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động", ông Cẩm than thở.

Dẫn chứng theo thống kê của ngành thuế, Hiệp hội Dệt may khẳng định: hiện cả nước có khoảng 483.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Với mức đóng như hiện nay, DN và người lao động tại vùng phải đóng bình quân khoảng 900.000 đồng/tháng đối với các doanh nghiệp còn áp dụng thang và tăng tối thiểu 1,3 triệu đồng/tháng/người khi phải chuyển đổi sang bảng lương theo NĐ 49/2013/NĐ-CP.

Nguyễn Tuyền

Hiệp hội Dệt may than "quá sức chịu đựng" nếu tăng lương - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm