Hiện tượng lạ: Hàng loạt điều hoà ở nhiều chung cư của Hà Nội hỏng

Chỉ từ đầu tháng 6 đến nay, tại một tòa nhà thuộc chung cư CT7 Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội) có đến 22 chiếc điều hòa hỏng. Nhiều hộ gia đình tại đây không hiểu vì sao điều hòa không hoạt động được nữa hoặc phả ra hơi nóng.

Hàng loạt điều hòa bất ngờ hỏng

Điều đáng nói là không chỉ Dương Nội, nhiều chung cư khác cũng gặp tình trạng này. Cụ thể, theo thống kê ở từng nhóm fanpage của các chung cư thì HH Linh Đàm đang bị hỏng 1-15 chiếc điều hoà, chung cư Đại Thanh là 10 chiếc và chung cư Đặng Xá cũng có không dưới 10 điều hoà bị hỏng.

Anh Thái Dương (CT7, Hà Đông) cho biết, những ngày vừa qua, nắng nóng đỉnh điểm xảy ra liên tiếp nên gia đình anh phải bật điều hòa hết công suất nhưng 2 ngày sau, điều hoà nhà anh lại đột ngột dừng hoạt động.


Điều hòa là thiết bị vô cùng cần thiết đối với mọi gia đình

Điều hòa là thiết bị vô cùng cần thiết đối với mọi gia đình

Chị Thanh Hoa hiện đang sống tại một chung cư ở Đặng Xá, than thở: “May mà hôm qua trời mưa, hôm nay mát hơn. Nếu không, chắc cả nhà tôi mất ngủ. Vì kêu thợ đến sửa chữa nhưng họ hẹn rồi lại từ chối bởi có quá nhiều người bị hỏng điều hòa”.

Anh Trần Đại – một thợ sữa chữa điều hòa cho hay, từ đợt nóng kỷ lục đến giờ, bên anh nhận không hết đơn sữa chữa, bảo dưỡng điều hòa.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam Online, một chuyên gia điện lạnh cho hay, những nguyên nhân chính dẫn đến điều hòa bị hỏng là do các gia đình sống tại chung cư có ban công nhỏ, hẹp, khi sử dụng điều hòa lại chọn sai chế độ/chức năng trên điều khiển.


Điều hòa là thiết bị vô cùng cần thiết đối với mọi gia đình

Điều hòa là thiết bị vô cùng cần thiết đối với mọi gia đình

Điện áp thấp hoặc không đạt (do điện yếu) nên không đề được máy nén (block). Sử dụng một thời gian mà không vệ sinh định kỳ khiến bụi bẩn bám vào dàn nóng và dàn lạnh, ảnh hưởng tới công suất hoạt động của máy.

Vị trí lắp cục nóng không tản được nhiệt. Mất gas hoặc thiếu gas do hở đường ống. Trong quá trình lắp đặt đường ống đồng đi ra, thợ lắp điều hòa đục lỗ quá to, lắp xong quên không bịt lại tạo đường đi cho chuột, côn trùng xâm nhập cắn đứt dây. Lắp mặt lạnh quá cao hoặc không đúng vị trí sử dụng của người dùng dẫn đến tình trạng nơi cần mát không mát, nơi không cần mát lại mát…

Ngoài ra, chuyên gia cũng khẳng định, việc bảo dưỡng điều hòa trước mùa nóng hàng năm vô cùng cần thiết. Định kỳ bảo dưỡng điều hòa thông thường là 1 năm/lần.


Chung cư có ban công nhỏ, hẹp nhưng lại lắp từ 2, 3 thậm chí 4 chiếc điều hòa

Chung cư có ban công nhỏ, hẹp nhưng lại lắp từ 2, 3 thậm chí 4 chiếc điều hòa

Làm thế nào để khắc phục tình trạng điều hòa bị hỏng ngày nắng nóng?

Theo chuyên gia, người tiêu dùng nên chọn loại điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng, chọn vị trí lắp đặt cục nóng, cục lạnh phù hợp. Sau một mùa sử dụng điều hòa nên bảo trì, bảo dưỡng máy vào tháng 9 – 10 hoặc đầu hè tháng 3.

Trước khi vào mùa nóng (đầu tháng 3) nên bật điều hòa lên chạy thử để kiểm tra xem máy có hoạt động bình thường không nhằm kịp thời xử lý nếu phát sinh vấn đề. Cần nắm rõ cách sử dụng điều hòa để tắt/bật/chuyển chế độ hợp lý. Sau khi hết mùa nóng nên bật chế độ quạt gió tầm 20 – 30 phút để làm khô dàn lạnh trước khi tắt hẳn chờ đến mùa nóng sau.

Chuyên gia cũng chia sẻ cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện, bền bỉ và hiệu quả như: Bảo trì, bảo dưỡng theo đúng định kỳ, chọn nhiệt độ phù hợp. Khi mới bật, giảm nhiệt độ xuống mức thấp nhất trong vòng 20 – 30 phút để làm lạnh nhanh, sau đó trở về nhiệt độ bình thường. Đối với nhà có trẻ nhỏ nên duy trì nhiệt độ lý tưởng từ 28 – 29 độ C.

Đối với nhà không có trẻ nhỏ thì nên duy trì nhiệt độ từ 22 – 23 độ C vào ban ngày, ban đêm nên duy trì nhiệt độ từ 25 – 26 độ C hoặc tắt hẳn.

Theo Hoa Thổ Cẩm
VietQ