Quảng Bình:
Hiện trạng hư hỏng tại dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD
(Dân trí) - Dự án điện mặt trời tại Quảng Bình được đầu tư xây dựng với số vốn gần 14 triệu USD nhằm đưa điện về với vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng sau ít năm sử dụng, một số hệ thống điện của dự án đã hư hỏng.
Đó là thực trạng đang xảy ra tại nhiều trạm điện năng lượng mặt trời, thuộc Dự án cấp điện mặt trời cho các xã vùng núi của tỉnh Quảng Bình. Dự án được triển khai từ tháng 7/2015 với tổng vốn đầu tư là 13,7 triệu USD, trong đó 12 triệu USD vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc, 1,7 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án điện mặt trời triển khai tại Quảng Bình được lắp đặt ở 9 xã của 4 huyện gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của gần 1.300 hộ dân, 78 cơ quan, dịch vụ công tại các thôn, bản nghèo nơi biên giới chưa có điện lưới Quốc gia. Dự án được đưa vào sử dụng đồng loạt vào năm 2018.
Thế nhưng chỉ sau ít năm đưa vào vận hành, hàng loạt trạm điện, tấm pin năng lượng mặt trời hư hỏng.
Tại bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, một bản làng nằm sâu trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, những trạm điện năng lượng mặt trời đã từng mang về rất nhiều niềm vui và hy vọng cho người dân nơi đây. Thế nhưng, đến nay, trạm năng lượng vẫn còn nhưng điện thì chẳng thấy đâu nữa. Người dân phải quay trở lại với đèn dầu như nhiều năm về trước.
"Cách đây mấy năm, họ về lắp trạm điện mặt trời, khi có điện về bản, ai cũng mừng. Thế nhưng cái điện mặt trời này ngày nắng thì có, mưa thì chịu. Được vài năm thì giờ trạm hư hỏng, không phát điện được nữa", ông Nguyễn Văn Tương, trú bản Đoòng, buồn bã nói.
Tương tự, cụm pin mặt trời tại các bản làng của xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cũng không phát huy được hiệu quả. Tại xã miền núi này, có 18 bản đều được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, thế nhưng hiện tại, nhiều trạm đã hư hỏng, không phát điện. Các tấm pin không được bảo dưỡng, phủ bụi, rêu mốc, bên dưới, tủ đựng bình ắc quy bị cỏ dại, cây cối phủ lấp.
Theo người dân địa phương cũng như các giáo viên cắm bản tại xã Thượng Trạch, điện mặt trời chỉ sử dụng được 6 tháng mùa nắng, còn mùa mưa thì gần như không thể phát điện.
"Vào mùa đông, phòng học lúc nào cũng tối, đây là thời điểm mình cần điện để thắp sáng nhất nhưng điện mặt trời thì không thể dùng được. Điện mặt trời cũng chỉ được một năm đầu thôi, giờ thì chập chờn và gần như vô tác dụng. Chỉ mong sao sớm có điện lưới để người dân đỡ vất vả, các em học sinh cũng có điều kiện học tập được tốt hơn", cô giáo Đinh Thị Quyên, một giáo viên cắm bản tại điểm trường bản 61, xã Thượng Trạch tâm sự.
Liên quan đến vấn đề nếu trên, ông Nguyễn Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời, thừa nhận, có nhiều trạm điện mặt trời hư hỏng, không thể phát điện. Tỉnh Quảng Bình cũng đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương thống kê các điểm hư hỏng, có phương án thay thế, sửa chữa.
Được biết, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại được giao quản lý các thiết bị dự phòng của dự án, gồm 309 tấm pin, 120 bình ắc quy và phụ kiện khác. Theo cán bộ của trung tâm, khu vực hưởng thụ dự án năng lượng mặt trời có khí hậu ẩm ướt, số tháng nắng ít, thường xuyên lũ lụt. Ngoài ra, người dân sử dụng quá công suất, bảo quản không tốt, tổ quản lý không có chuyên môn khiến các điểm phát điện nhanh hư hỏng, ít hiệu quả.
"Về các trạm điện năng lượng mặt trời hiện có một số điểm vẫn đang hoạt động tốt, nhưng một số điểm thì hư hỏng, UBND tỉnh Quảng Bình và Sở Công Thương cũng đã giao cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại lập dự án để sửa chữa, nhưng vẫn đang trình và chờ xin kinh phí", ông Hà nói.
Được biết, hiện tỉnh Quảng Bình cũng đang có kế hoạch kéo điện lưới Quốc gia về với 5 bản trung tâm của 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch với tổng kinh phí 110 tỷ đồng. Khi điện năng lượng mặt trời không thể đáp ứng được kỳ vọng thì điện lưới được xem là niềm hy vọng lớn sau những tháng chờ đợi của đồng bào vùng sâu vùng xa.