Hiến kế giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”
(Dân trí) - Các diễn giả tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 đều cảnh báo Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” nhưng cũng đưa ra những hiến kế giúp Việt Nam thoát khỏi cái bẫy này.
Nhiều buổi thảo luận quan trọng tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 (ảnh: Q.Đ).Theo ông Rajat Nag, Tổng Giám đốc Điều hành ADB: Tất cả các nước đang phát triển tại châu Á có mức thu nhập trung bình đều rất dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. “Nhưng tôi tin Việt Nam có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” nếu sớm có các giải pháp và quyết tâm mạnh mẽ.
"Chính phủ Việt Nam đã nhận ra thách thức này và ngay từ đầu năm 2011 đã thông qua một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2011 - 2020, nhằm đối phó tốt hơn với các thách thức. Chúng tôi đánh giá cao chiến lược đúng hướng của Việt Nam khi đặt quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn yếu kém hiện nay”, ông Rajat Nag nhấn mạnh.
Theo vị đại diện này của ADB, Việt Nam cần tiếp tục mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Đây chính là cách để Việt Nam thoát ra khỏi nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Còn theo cảnh báo từ GS. Kenichi Ohno, Đại học Nghiên cứu Chính sách (Nhật Bản): “Khả năng Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình khá cao. Nếu như không có những hành động ngay từ bây giờ, sau 10 - 15 năm nữa tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại nhiều”.
GS. Ohno hiến kế: “Tôi nghĩ có nhiều hướng đi mà Việt Nam có thể lựa chọn như lắp ráp đóng gói sản phẩm điện tử hay công nghiệp thực phẩm sạch ... Chính phủ có thể thành lập cơ quan để thúc đẩy chính sách này. Có rất nhiều điều mà Việt Nam có thể làm ngay là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thể chế chính sách có cấu trúc hợp lý, cung cấp tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển hạ tầng kết nối, kết nối các thành phần kinh tế tư nhân và nhà nước, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ...”.
Theo đánh giá từ các diễn giả tham dự Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, ưu thế nhân công rẻ mất dần và chi phí sản xuất khác tăng lên đang là mối đe dọa khả năng cạnh tranh của các quốc gia châu Á mới chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình trong một vài thập kỷ gần đây. Bà Ursula Schaefer-Preuss, Phó Chủ tịch ADB về Quản lý Tri thức và Phát triển Bền vững nói: “Việc dần mất đi lợi thế về chi phí ở các nền kinh tế châu Á đã dẫn tới “bẫy thu nhập trung bình” mà ở đó, các nước có thu nhập trung bình không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất chi phí thấp ở phân khúc thấp của thị trường cũng như với các nước phát triển ở phân khúc cao của thị trường”.
Tại Hội thảo "Châu Á có mức thu nhập trung bình: Các thách thức chính sách" được tổ chức tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, các đại biểu đã chỉ ra những thách thức mà các nước thu nhập trung bình phải đối mặt như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam khi các quốc gia này tìm cách đạt được mức phát triển cao hơn. Các thách thức này bao gồm việc duy trì môi trường kinh tế ổn định, phát triển nguồn nhân lực, quản lý xã hội và giải quyết sự bất bình đẳng ngày càng tăng.
Phó Chủ tịch Schaefer-Preuss nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kéo phần lớn khu vực châu Á lên mức thu nhập trung bình trong vài thập kỷ gần đây đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng khoảng 1,8 tỷ người vẫn phải sống ở mức dưới 2 USD một ngày và thực tế này vẫn sẽ tiếp diễn nếu không có biện pháp cải cách giúp các quốc gia thu nhập trung bình vượt qua hoặc tránh được “bẫy thu nhập trung bình”.
Nhà kinh tế cao cấp của ADB, ông Changyong lấy ví dụ từ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong giai đoạn giữa những năm 1990 khi nước này chuyển từ mức thu nhập trung bình lên mức thu nhập cao. Ông Rhee cho rằng: “Như kinh nghiệm của Hàn Quốc đã chỉ ra, những nền kinh tế thu nhập trung bình cần giải quyết các vấn đề liên quan đến việc áp dụng cũng như phạm vi của chính sách công nghiệp, vai trò phù hợp của ngành ngân hàng và các thị trường vốn trong việc phân bổ rủi ro, cách thức đa dạng hóa việc tuyển dụng chú trọng vào sản xuất chế tạo và tránh những mất cân đối địa lý ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi nhằm tránh được những vấn đề phát sinh sau này”.
Còn GS. Kenichi Ohno thì viện dẫn thành tựu của Nhật Bản trong việc đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao để nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố: chính sách công nghiệp chủ động, sự năng động của khu vực tư nhân, khả năng tích lũy liên tục nguồn lực con người và một chiến dịch tầm cỡ quốc gia trong việc “tạo động lực để khu vực tư nhân thức tỉnh và hành động”.
Vị giáo sư này cho hay: “Chỉ các quốc gia thiết lập được một cơ chế nội địa trong việc xúc tiến và thậm chí là thúc đẩy tích lũy nguồn lực con người mới có khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được mức thu nhập cao, bởi điều này giúp tạo ra các giá trị đáp ứng nhu cầu quốc tế”.
An Hạ