Hết thời lương cao nhưng không hiệu quả
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vào TPP, DNNN sẽ chấm dứt cảnh than phiền lâu nay của dư luận về việc lãnh đạo được trả lương cao nhưng làm ăn không hiệu quả.
Hiệp định TPP tác động thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thưa ông?
TPP là hiệp định thương mại đa phương tiếp cận trên một diện rất rộng, bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên một hiệp định đa phương công nhận có một chương về DNNN. Điều này cho thấy, những quan điểm về việc DNNN không có chỗ tồn tại trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh là chưa hoàn toàn phù hợp.
Vậy TPP sẽ tạo ra những thay đổi gì đến hoạt động của các DNNN của Việt Nam tới đây? Theo tôi, thay đổi lớn nhất ở đây chính là công tác quản trị ở các DNNN. Trong đó, không thể đem tư duy công chức áp vào DNNN được nữa. Lương của cán bộ ở các tổng công ty cũng không còn theo bậc thang của Bộ LĐ,TB&XH. Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc, Ủy viên hội đồng quản trị cũng không còn theo cách là phải qua Bộ Nội vụ thẩm định rồi mới được bổ nhiệm. Tất cả những cái đó khi vào TPP sẽ khác đi.
Cụ thể, như việc trả lương cho tổng giám đốc, hội đồng quản trị, tới đây sẽ phải theo quy luật của thị trường, tức là phải thỏa thuận. Lương của người làm quản trị DNNN sẽ gắn liền với lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được, chứ không phải là lương phân theo quy mô DNNN loại 1, loại 2 hay là loại đặc biệt.
Đây là cái thay đổi rất căn bản. Như thế, lương cao hay thấp do người sử dụng lao động quyết định căn cứ vào lợi nhuận mà người ta đạt được. Đơn cử như nhà nước giao cho doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng, thì ít nhất một năm doanh nghiệp phải đem lại lợi nhuận bằng lãi suất ngân hàng. Nếu không làm được điều đó thì Nhà nước sẽ giao cho người khác làm ngay.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm được thì Nhà nước sẽ cho phép hưởng 10% tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được để trả lương. Căn cứ vào đó, doanh nghiệp tính toán để trả lương cho phù hợp trên cơ sở quy chế nội bộ của công ty, Chính phủ sẽ không can thiệp. Như thế, sẽ chấm dứt cảnh than phiền lâu nay của dư luận về việc lãnh đạo được trả lương cao nhưng làm ăn không hiệu quả. Tất cả những điều đó sẽ được thực hiện một cách minh bạch, công khai.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, TPP sẽ làm thay đổi hẳn công tác quản trị ở các DNNN. Trong ảnh là cảnh xếp dỡ container của Vinalines. Ảnh: Ngọc Châu.
TPP đặt ra quy định là phải ưu tiên sử dụng thương mại trong nội khối. Nhưng như chúng ta thấy, công nghiệp phụ trợ của chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Vậy chúng ta phải làm gì để tận dụng được quy định trên?
Không vào TPP thì chúng ta cũng có đầy rẫy khó khăn, thách thức. Còn vào TPP thì bên cạnh khó khăn cũng có nhiều thuận lợi. Ví dụ, TPP có một chương về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó quy định phải ưu tiên sử dụng thương mại trong nội khối. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp của Việt Nam tận dụng và phát triển.
Chúng ta nhìn lại bài học từ Samsung thì thấy, trong 4 năm vào Việt Nam, xuất khẩu của Samsung đã đạt 24 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp được bao nhiêu phần trăm vào 24 tỷ USD đó, quá ít? Thiết bị của Samsung vẫn chủ yếu nhập từ Trung Quốc về. Nay với TPP thì Samsung sẽ buộc phải mua 70% giá trị xuất xứ từ Việt Nam mới được hưởng ưu đãi trong nội khối. Nếu nhập từ Trung Quốc thì DN sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Đây chính là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Samsung tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội này hay không? Muốn tận dụng thì doanh nghiệp phải chủ động đổi mới công nghệ, cổ phần hóa doanh nghiệp, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... Đây là những thách thức rất lớn buộc các doanh nghiệp phải vượt qua, nếu không sẽ bị tụt lùi, mất đi cơ hội mà TPP đã tạo ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, với TPP các doanh nghiệp sẽ phải từ bỏ cách làm “ăn xổi” để chú trọng tới việc phát triển bền vững?
TPP đưa ra những tiêu chí rất cao về môi trường sống, điều kiện làm việc và về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ phải chịu chế tài mạnh mẽ hơn nếu vi phạm các quy định về môi trường. Ví dụ như việc xả thải, đánh bắt cá ở đại dương, chặt phá rừng... nếu doanh nghiệp vi phạm các tiêu chuẩn mà TPP đề ra thì có thể sẽ bị cấm xuất khẩu sản phẩm. Cũng là đôi giày do doanh nghiệp sản xuất ra, nhưng nếu anh sản xuất bằng máy móc hiện đại, không gây ô nhiễm thì mức thuế đánh vào sẽ thấp. Nhưng nếu sử dụng máy móc cũ, gây ô nhiễm cao thì mức thuế sẽ cao... Do đó, bắt buộc các doanh nghiệp tới đây phải đổi mới tư duy chấp nhận phát triển bền vững, chứ không thể ăn xổi được.
Cảm ơn ông!
Theo Văn Kiên
Tiền Phong