Hết thời chợ Tân Thanh?

Chợ Tân Thanh nằm giáp biên giới Lạng Sơn, nổi tiếng bán hàng Trung Quốc giá rẻ, đến mức một thời trở thành điểm đến hết sức tấp nập ai cũng biết. Thế nhưng giờ đây, tiểu thương đang lo lắng mình sắp hết thời?

Mua ít hàng lậu: không sao

Đầu tháng 9, chị Rành, một khách du lịch lẻ, mua ở chợ Tân Thanh một máy ép trái cây và quạt tích điện. Trên đường về lại thành phố Lạng Sơn, đến trạm kiểm tra liên ngành Dốc Quýt thì chiếc xe khách loại nhỏ chở chị bị dừng lại để kiểm tra.

Lái xe giải thích vì chị mang ít hàng, mỗi mặt hàng chỉ một cái nên không sao chứ nếu nhiều thì họ có quyền bắt giữ vì đó là hàng... lậu.

Mặc dù chị Rành mua hàng ở chợ được bày bán công khai, nộp tiền sạp, tiền thuế đầy đủ nhưng chị xem lại thì đúng là hàng của mình “lậu” thật: không tem, không hoá đơn, chứng từ.

Chuyện tương tự chị Rành diễn ra thường ngày. Các tiểu thương còn tư vấn: mua hàng nhiều hơn vẫn có thể mang về được nhưng phải nói trước để tụi tui... gửi. Những xe du lịch chở khách đi theo đoàn ít bị kiểm tra hơn vì khách chỉ mua với số lượng nhỏ, chủ yếu để dùng, và vì khó “làm luật” hơn. Nhưng gần đây, cơ quan chức năng biết một số người buôn bán nhỏ trà trộn vào, thì loại xe này cũng bị để ý.

Gần đây chợ chủ yếu sống nhờ vào khách du lịch. Còn khách buôn đã tìm đường giao dịch trực tiếp với chủ hàng từ Trung Quốc. Chuyện này xuất hiện hơn một năm nay, khoét thêm nỗi lo hết thời làm ăn.

Hải quan đã khó hơn

Nhiều tiểu thương cho rằng họ sống được là nhờ luật lệ lỏng lẻo. Về lý, hàng hoá bán tại chợ phải là hàng nhập khẩu hợp pháp hoặc đã được hợp pháp hoá. Nhưng mỗi sạp chỉ đến hải quan để khai báo, dán tem hợp pháp hoá khoảng 2 lần/năm. Mỗi mẫu hàng chỉ làm “tượng trưng” vài cái.

Một tiểu thương “bật mí”: “Có đợt đi kiểm tra, mấy ổng cũng chỉ nhắc nhở. Thường thì tỷ lệ chấp hành dán tem của sạp lớn phải nhiều hơn sạp nhỏ. Mùa nào ế ẩm, năn nỉ quá, cũng được... tha” .

Nhưng từ năm ngoái, tình hình đã thay đổi mà theo nhận thức chủ quan của họ là do gần vào WTO nên vấn đề xuất xứ hàng hoá bị quản lý gắt hơn (?). Hải quan khó hơn, đi kiểm tra nhiều hơn. Nhiều đợt, các sạp phải đối phó bằng cách đóng cửa, không bán.

Tân Thanh không có danh thắng như ở thành phố, lý do khách du lịch lên đây là vì thích mua hàng giá rẻ. Nếu du lịch qua Trung Quốc thì hàng trong các siêu thị cũng không rẻ bằng vì là hàng... hợp pháp.

Hầu như không kiểm định chất lượng gì cả, chỉ khai và dán vào một con tem mà giá chiếc nồi cơm điện phải đội lên gấp đôi, gần bằng giá các nơi khác. Đối với cả người bán và người mua, cái “lý” của Nhà nước rất vô lý.

Do vậy nếu thực thi đúng luật thì ai lên đây làm gì? “Chợ hết thời đến nơi rồi”, một tiểu thương nói.

Chuẩn bị "về vườn"

Trước tình hình kể trên, nhiều tiểu thương đã tính chuyện “hậu sự”. Đa số họ là người tứ xứ, nhiều nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tây, Hưng Yên (người bản xứ thường chọn con đường buôn hàng trực tiếp từ Trung Quốc).

Anh Luận, quê Bắc Ninh, chủ sạp điện máy 205B nói rằng mình tay trắng lên đây đã 10 năm. Anh đã chuẩn bị một sạp ở chợ quê để... về vườn. Từ năm ngoái, anh đã cho thuê bớt diện tích sạp, đón làn sóng dân từ các nơi đổ về mà theo anh là “trâu chậm...”, vì buôn bán đang khó dần.

Anh Luận cho rằng xu hướng phải buôn bán “hợp pháp” gần đây đồng nghĩa với việc sẽ không ăn nên làm ra nữa. Cho nên đa số những người mới lên đây (đã bán đất ở quê hoặc vay mượn), rất dễ lâm vào cảnh nợ nần.

Xem ra, câu chuyện chợ Tân Thanh có hết thời hay không là câu chuyện thực thi luật lệ...

Theo Nguyên Lê
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm