Hết thí điểm, Grab chính thức hoạt động trong môi trường hợp pháp hoá xe công nghệ
(Dân trí) - Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 146 dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (như Grab, Vato, FastGo…).
Hết thí điểm - xe công nghệ được “cởi trói”
Theo Quyết định 146, dịch vụ gọi xe công nghệ kết thúc giai đoạn thí điểm, và chính thức được hoạt động trong môi trường mới nơi tất cả các loại hình doanh nghiệp đều được công nhận và có các quy định để ứng dụng công nghệ vào giao thông vận tải.
Đề cập đến những điểm tiến bộ trong chính sách mới này, phát biểu với truyền thông, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã nhận định: “Việc dừng thí điểm sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ quy chuẩn hơn và loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ ở mức thí điểm như trước đây. Bởi vì xe công nghệ là loại hình mới tại thị trường Việt Nam vì vậy cần có quy định cụ thể để quản lý theo môi trường kinh doanh của thị trường. Những quy định pháp luật cần phải điều chỉnh theo từng thời kỳ để quản lý cho phù hợp.”
Sự công nhận căn bản này của Nghị định là với tất cả các công ty có nhu cầu và khả năng ứng dụng công nghệ vào kinh doanh và quản lý giao thông vận tải chứ không phải riêng công ty nào. Các công ty có nhu cầu và năng lực chỉ cần xem xét kỹ các quy định mới và tuân thủ là có thể bước vào ứng dụng công nghệ và kinh doanh và Grab cũng là trường hợp như vậy.
Vì sao hết thí điểm?
Việc thí điểm xe công nghệ đã được thực hiện suốt từ 2015 đến thời gian qua hết 2019 đã là hơn 4 năm là thời gian khá dài để có thể ghi nhận các hoạt động của nhân tố mới mẻ là các hãng gọi xe công nghệ.
Quá trình hơn 4 năm đó cũng là thời gian đủ dài để rút kinh nghiệm và tối ưu được hoạt động ứng dụng công nghệ vào vận tải. Trong thời gian đó, chỉ tính đến cuối 2019, Grab đã thực hiện được hơn 150 triệu cuốc xe thành công và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 đối tác lái xe trên toàn quốc.
Nhưng những thành tựu mà các công ty gọi xe đã đóng góp cho tư duy và cho giao thông vận tải nói riêng cũng như cho nền kinh tế nói chung mới là đáng nhìn nhận.
Với các nền tảng gọi xe như Uber, Grab… tỷ lệ xe chạy không khách chỉ vài phần trăm tính trên tổng quãng đường tài xế di chuyển, trong khi với taxi truyền thống, tỷ lệ này từng là 42% - tạo ra nhiều di chuyển không cần thiết và gây ô nhiễm môi trường.
Chi phí để vận hành hệ thống giảm xuống nhiều cho phép giảm chi phí cho khách gọi xe vào các giờ thấp điểm và giờ bình thường. Khả năng kết nối và số lượng kết nối có thể tăng lên gần như vô hạn tính theo khả năng của hệ thống. Trong khi đó, hệ thống có thể đo đếm được vô số chỉ số để tối ưu cho việc điều phối cũng như trợ giúp cho các tài xế.
Một điểm khác quan trọng là các nền tảng gọi xe đã làm thay đổi tư duy và số hoá rất nhiều phần của ngành dịch vụ vẩn tải, giúp thay đổi tận gốc vấn đề tư duy, vận hành và tăng mạnh tính năng động của toàn ngành. Tác động của các nền tảng như Uber, Grab với nền kinh tế cũng tương tự và có tính khai mở cho một thời kỳ mới với tư duy 4.0.
Hứa hẹn những giá trị của thí điểm sang chính thức
Xung quanh việc triển khai quản lý mô hình xe công nghệ theo Nghị định 10 cho thấy những người làm chính sách đã tiếp cận một cách có chọn lọc và tạo ra được sân chơi mới bình đẳng cho các bên liên quan. Cơ chế của Nhà nước qua chính sách này đã có bước chuyển cấp tiến và sâu sát hơn với nhu cầu thực tế của xã hội và người dân theo đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Khi mô hình xe công nghệ chính thức thoát khỏi ràng buộc chỉ ở 5 tỉnh, thành phố và được triển khai trên toàn quốc, người dùng tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước sẽ có thêm lựa chọn mới tiện lợi hơn để di chuyển chủ động, an toàn, với giá thành hợp lý. Cơ chế mới cũng góp phần tạo ra công ăn việc làm cho các đối tác tài xế và giúp họ yên tâm vì dịch vụ đã được hợp pháp hóa. Hơn hết, việc vận hành chính thức cũng làm mọi người an tâm, không còn sự thấp thỏm và lo ngại viễn cảnh có thể phải ngừng kinh doanh bởi phía sau hàng trăm ngàn tài xế của các hãng xe công nghệ là hàng trăm ngàn gia đình và hàng triệu người liên quan.
Trần Tân Nhiên