1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hệ thống giao dịch chứng khoán cần nâng cấp

Sự cố giao dịch tại sàn TPHCM vào sáng ngày 8/12 cuối cùng cũng đã nhận được một lời giải thích (dù chưa thật đầy đủ) từ cơ quan quản lý. Vấn đề đặt ra là làm sao để không còn những sự cố tương tự tiếp diễn.

Sáng ngày 8/12, chỉ ít phút sau khi thị trường chính thức mở cửa giao dịch, toàn bộ hệ thống giao dịch điện tử của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM và hơn 20 công ty chứng khoán thành viên đã ngưng hoạt động vì gặp sự cố.

Không chỉ có các nhà đầu tư đến giao dịch tại các sàn giao dịch bị ảnh hưởng mà hầu hết tất cả các nhà đầu tư ngồi nhà giao dịch qua mạng/trang web của các công ty chứng khoán cũng gặp hoàn cảnh tương tự vì các bảng giao dịch trực tuyến trống trơn, không có bất cứ số liệu nào nên không thể đặt lệnh được.

Tất cả các trang web giao dịch trực tuyến của các công ty chứng khoán như ACBS, TSC, VCBS, BSC, SSI... đều đồng loạt treo. Trên bảng  điện tử trực tuyến của các công ty chứng khoán được kết nối với Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM đã có dấu hiệu bất thường.

Bình thường dữ liệu mới được cập nhật liên tục, từng giây, nhưng phiên giao dịch sáng 8/12 thì ngưng lại trong thời gian khá lâu và các lệnh của nhà đầu tư được chuyển vào trung tâm từ các thành viên công ty chứng khoán không thấy hiển thị trên bảng điện tử như thường lệ.

Và chỉ ít phút sau đó, Trung tâm đã gửi công văn khẩn đến các công ty chứng khoán thông báo tạm ngừng giao dịch trong đợt 2 và đợt 3 của phiên để khắc phục sự cố hệ thống giao dịch. Trung tâm cho biết, những lệnh đã nhập vào đợt 1 nếu xử lý được sẽ sớm thông báo tới khách hàng.

Mọi đường dây liên lạc với những người có quyền phát ngôn cho giới báo chí đều bị gián đoạn. Nếu có liên lạc được, thì được nghe câu trả lời quen thuộc là “Tôi đang rất bận”, “Chúng tôi đang họp bàn và sẽ có câu trả lời trong thời gian sớm nhất”...

Nhiều nhà đầu tư hoang mang không biết lệnh của mình gửi trong đợt 1 có được khớp không, và nếu khớp có được công nhận không.

Theo giới chuyên môn, sự cố trên xảy ra là điều tất yếu và đã nhìn thấy trước, bởi không chỉ trong phiên giao dịch sáng 8/12, mà trong các phiên gần đây, bảng điện tử liên tục gặp sự cố. Số liệu nhảy loạn xạ và đến cuối phiên mới có thể điều chỉnh trở lại.

Một nguyên nhân quan trọng là số lượng chứng khoán nhập sàn tăng nhanh từng ngày, các công ty chứng khoán mới cũng ồ ạt tham gia thị trường, cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng của các nhà đầu tư mới nên hệ thống giao dịch của trung tâm không đáp ứng kịp.

Cũng theo nhận định của giới chuyên môn, lỗi giao dịch sáng 8/12 có thể xảy ra ở khâu chuyển lệnh từ máy chủ thông tin của Trung tâm ra các công ty chứng khoán. Theo đối chiếu kết quả cuối phiên giao dịch với kết quả khớp lệnh đợt 1, các công ty chứng khoán cho biết rằng hầu hết dữ liệu của đợt nhập lệnh đầu tiên đều chính xác.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM đã cho biết, Trung tâm đang bàn bạc với các công ty chứng khoán để tìm ra một giải pháp tốt nhất cho hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán, hệ thống không rủi ro trong giao dịch. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi hệ thống giao dịch chưa được nâng cấp, các công ty ồ ạt lên sàn, số lệnh giao dịch trong một phiên lại quá lớn, sự cố xảy ra là chuyện không thể tránh khỏi.

Hiện tại mới có khoảng 20 công ty chứng khoán đang hoạt động, thử hỏi nếu như trong quý I/2007 số lượng các công ty chứng khoán nâng lên 40 công ty, và số lượng này sẽ còn tăng lên tương lai, thì liệu khi tất cả các công ty này cùng kết nối thì hệ thống sẽ ra sao? Chất lượng dịch vụ có đảm bảo không?

Hoạt động của thị trường chứng khoán ước tính đến năm 2010 dự tính sẽ có đến 7 triệu tài khoản giao dịch và sẽ có ít nhất 35 triệu giao dịch/ngày luân chuyển qua mạng và nó sẽ tăng lên theo cấp số nhân và không ngừng theo từng năm. Liệu lúc đó băng thông đường truyền có đáp ứng nổi?

Biết là thế, nhưng trong thời điểm mà thị trường đang tăng trưởng vượt bậc như thời điểm hiện tại thì việc xảy ra sự cố và dẫn đến việc ngừng giao dịch không chỉ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý nhà đầu tư, mà sâu xa hơn, ảnh hưởng đến cả thị trường.

Cứ thử làm phép tính nhỏ, trong các phiên giao dịch từ tháng 11, nhất là từ đầu tháng 12 trở lại đây, bình quân mỗi ngày có hơn 500 tỷ đồng được đổ vào thị trường chứng khoán (chưa kể sàn Hà Nội), cá biệt có phiên lên đến 1.000 tỷ đồng (phiên ngày 7/12/2006), thì mỗi một ngày ngừng giao dịch thị trường sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Không chỉ lo lắng lệnh của mình có được khớp không, một số nhà đầu tư còn lo lắng không biết Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có khắc phục sự cố để đưa thị trường trở lại hoạt động trong phiên đầu tuần tới hay không?

Tham khảo ý kiến của các chuyên gia về công nghệ thông tin, họ đều cho rằng nếu sự cố là do khâu chuyển lệnh từ trung tâm ra các công ty chứng khoán thì sự cố cũng không lớn, có thể khắc phục nhanh.

Theo trưởng phòng IT của một công ty chứng khoán, đã đến lúc cần phải đưa ra chính sách phát triển công nghệ thông tin cho toàn ngành chứng khoán. Để xây dựng hệ thống này, cần một tầm nhìn của Quốc gia chứ không phải của riêng Ủy ban Chứng khoán hay Sở Giao dịch Chứng khoán.

Bộ Tài chính (đặc biệt là Cục Tin học của Bộ Tài chính) cần khảo sát các trung tâm lưu ký chứng khoán hiện đại như Singapore, Malaysia và cần đầu tư ít nhất khoảng 30-50 triệu USD trong vòng 10 năm. Tiếp theo là hệ thống giao dịch và công bố thông tin của VSE bởi vì thực trạng hệ thống giao dịch này thực sự còn rất hạn chế và thủ công.

Đó là lý do tại sao các công ty chứng khoán phải tự xây dựng công bố thông tin vì tại thời điểm họ thấy quyền được biết thông tin của nhà đầu tư quá ít, kênh thông tin đến nhà đầu tư quá nghèo nàn. Và các công ty chứng khoán dù có hiện đại đến chừng nào chăng nữa đều phải nhập lại bằng tay khi chuyển lệnh đến sàn giao dịch.

Thiết nghĩ, Bộ Tài chính, mà cụ thể là Cục Tin học của Bộ Tài chính nên đứng ra làm đầu mối và đưa ra chính sách phát triển công nghệ thông tin cho toàn ngành chứng khoán. Không phải để đến lúc gặp sự cố, hay quá tải mới tìm giải pháp khắc phục, mà cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn cho thị trường chứng khoán.

Theo Tú Uyên
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm