Hệ quả nào cho việc xây dựng tổ hợp cao ốc ở Ga Hà Nội?
(Dân trí) - Có nên xây tổ hợp cao ốc ở Ga Hà Nội? Với câu hỏi này, hầu hết câu trả lời là không đồng tình bởi hệ quả quá xấu, rất dễ nhận ra. Nhìn lại các tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên nhan nhản ở Hà Nội thấy rất rõ điều này.
Nếu thời Hà Nội mới có tòa cao ốc 11 tầng – khách sạn Hà Nội ở Giảng Võ – là niềm tự hào của Thủ đô, thì nay, hàng loạt cao ốc cao tầng lại là nỗi kinh hoàng của nhiều người. Kinh hoàng bởi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng đuối sức với những chuỗi nhà chọc trời mọc lên tua tủa như nấm sau cơn mưa.
Đó cũng là lý do mà Hà Nội từng có quyết định không được phép xây nhà cao tầng (trên 9 tầng) trong 4 quận nội thành cũ. Một quyết định đúng đắn và được người dân ủng hộ. Nhưng rồi, dù không có quyết định nào bãi bỏ quyết định này, nhưng với nhiều lý do khác nhau, nhiều cao ốc vẫn đua nhau mọc lên và không có dấu hiệu dừng lại.
Đã từng có những tòa nhà, tổ hợp cao tầng phải điều chỉnh và giờ đây là đề xuất một tổ hợp còn hoành tráng hơn ở Ga Hàng Cỏ: Có nhiều phân khu với các tên gọi mỹ miều khác nhau, từ thấp tầng tới cao 40- 60 - 70 tầng …nằm trên tổng diện tích 98,1 ha với số dân dự kiến 44.000 người.
Tất nhiên, các dự án này đều có những thuyết trình để khẳng định, đã tính toán kỹ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Chẳng hạn, thuyết minh của dự án cao ốc ở Ga Hàng Cỏ cho biết: Chủ yếu là tái định cư tại chỗ. Cụ thể, dự án dự kiến khoảng 44.000 người thì đã có khoảng 40.300 người tái định cư.
Nhưng ngược lại, điều mà người dân Hà Nội rất biết: Tất cả các chung cư cũ ở Hà Nội đang bị tắc bởi, chủ đầu tư luôn đòi hỏi phải xây cao tầng để, ngoài việc tái định cư tại chỗ phải còn số lượng phòng lớn để bán giá thương mại và phải có lãi.
Vậy dự án các tòa nhà chọc trời này ở Ga Hàng Cỏ lấy gì làm lãi nếu chủ yếu là tái định cư? Phải chăng đổi đất lại hạ tầng như một số dự án đã, đang làm? Nhưng, liệu có xảy ra khả năng , dự án chưa triển khai, chủ đầu tư đã được giao đất trước, thậm chí nó được bán dưới nhiều hình thức, còn dự án vẽ ra vẫn hoàn trên giấy? Và rồi, không biết khi nào dự án “”hay ho” đó mới được triển khai bởi lý do rất chính đáng: chưa giải phóng được mặt bằng. Chấm hết.
Nói về các chung cư cao tầng, nếu ai đi trên các cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Thăng Long từ ngoại ô vào sẽ thấy, các tòa chung cư ở nội thành tầng tầng lớp lớp, san sát vào nhau như bức tường thành khổng lồ choán hết tầm nhìn. Dù đã quen mắt, nhưng mỗi lần đi trên các cây cầu này tôi vẫn không khỏi choáng và thật sự kinh hoàng với tốc độ phát triển chung cư cao tầng.
Phố Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) là một ví dụ điển hình. Hiện, nhiều dự án đã, đang và sẽ mọc lên dày đặc ở phố Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) khiến nhiều người không dám mua chung cư ở đây, thậm chí không ít gia đình đã mua, đã ở rồi cũng phải tìm cách bán tháo chỉ vì sợ tắc đường. Đấy là chưa nói hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí hầu như không có.
Quay lại với dự án tổ hợp cao tầng ở ga Hà Nội, dự kiến tổng vốn khoảng 23.000 tỉ đồng, điều mà ngân sách hiện tại khó lo nổi, chưa nói là gây quá tải cả hạ tầng kỹ thuật lần hạ tầng xã hội, thì tại sao chúng ta không tính phương án chỉ tận dụng khoảng không trên Ga Hàng Cỏ?
Vừa qua, người viết bài này đến ga tàu hỏa ở TP Dusseldord (Cộng hòa Liên bang Đức) – nó được xây 5 tầng. 3 tầng trên cùng là các văn phòng làm việc của các cơ quan khác nhau. Ngay sát ga này là tòa nhà 6-7 tầng làm gara ô tô. Nối giữa nhà ga với gara này là các toa tàu (một khoang) tự động chạy liên tục đưa đón các viên chức, chúng tôi đã leo lên đi thử và không phải mua vé. Vậy tại sao chúng ta không tính một dự án nhỏ hơn như vậy, không phải GPMB nhiều, có tính khả thi cao mà kết quả thì rất tốt.
Vậy đâu là lý do các nhà quy hoạch cứ thích phải “hoành tráng” , mà hậu quả thì khôn lường?
Vương Hà