Hé lộ vụ buôn lậu 8 tỷ đồng xăng A92 tại Vinapco
(Dân trí) - Đầu tháng 7, Vinapco mở 7 tờ khai hải quan xin tái xuất 422.000 lít xăng dầu sang Trung Quốc song ngay sau đó lại cho tiêu thụ hết số xăng này. Trước nguy cơ bị phát hiện, đơn vị này đã nối lại kẹp chì, xin nhập lại hòng trốn 2,5 tỷ tiền thuế.
Chiều 23/11, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Thu nhập xử lý thông tin, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng Cục Hải quan cho biết, cơ quan này đã phát hiện và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục tố tụng đối với lô hàng xăng A92 đứng tên Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không (Vinapco).
Theo đó, qua một số nguồn thông tin tình báo, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện, hồi đầu tháng 7/2012, Vinapco đã mở tổng cộng 7 tở khai tái xuất đối với 422.000 lít xăng A92 tại Chi cục Hải quan Cảng 1 Hải Phòng, đi cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng cho một đối tác là Công ty TNHH Thương mại cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải Trung Quốc.
Cụ thể ngày 7/7, doanh nghiệp mở 2 tờ khai, 9/7 mở tiếp 2 tờ khai và sang 10/7 mở 3 tờ khai tái xuất. Sau ngày 10/7, cơ quan hải quan hoàn thành xong thủ tục để cho thông quan. Tuy nhiên, ngay từ tối 10/7 thì các đối tượng này đã đưa hàng đi tiêu thụ.
Về phía Chi cục Hải quan Hải Phòng, căn cứ vào tờ khai do doanh nghiệp mở, đã làm thủ tục tái xuất cho 422.000 lít xăng này. Song như đã đề cập ở trên, ngay sau thời điểm làm thủ tục tái xuất thì những đối tượng trên lại không vận chuyển đi Tà Lùng Cao Bằng như đã khai báo với hải quan mà tự ý tiêu thụ nội địa tại 4 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ và Thái Nguyên.
Được biết, thời điểm đầu tháng 7, các đối tượng đã tiêu thụ xong lô hàng này. Đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, khi Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện hoạt động trinh sát, “đánh hơi” được nguy cơ bị phát hiện, những đối tượng này tức tốc mượn xăng của đơn vị khác bơm bù vào số xăng đã tiêu thụ.
Ông Thọ đánh giá, các đối tượng đã rất chủ động trong việc ứng phó với phía cơ quan chức năng, và đã chuẩn bị trước cho tình huống có thể bị phát hiện.
Theo đó, các đối tượng vẫn giữ lại kẹp chì đã cắt và dùng keo dán lại, sau đó lại đưa về xin phép cơ quan hải quan làm thủ tục nhập lại với lý do phía Trung Quốc từ chối hàng và không tái xuất được.
Phía Hải quan Hải Phòng căn cứ vào hồ sơ của doanh nghiệp đã tiến hành thủ tục cho nhập lại. Dĩ nhiên, số xăng nhập lại này không phải xăng tái xuất.
Về nguyên tắc, hàng tái xuất phải xuất đi, nếu nhập lại phải giữ được niêm phòng kẹp chì và không được thay đổi.
Với hành vi tinh vi trên, lô hàng trị giá 8 tỷ đồng này đã “chui” được 2,5 tỷ đồng tiền thuế bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT – trong đó chưa tính phí.
Ông Thọ lưu ý rằng, trước đó, vào hồi tháng 5/2012, công ty này đã tạm nhập lô hàng từ Singapore tổng khối lượng 5.400 tấn và đã tái xuất được 2.300 tấn qua đường biển cũng cho một đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, khi thực hiện tái xuất lô hàng trước, chưa có quy định cấm tạm nhập tái xuất trên đường biển.
Nhận định của ông Thọ, hành vi chuyển đổi phương thức của doanh nghiệp này rất nhanh. Ngay khi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính có chỉ thị yêu cầu dừng hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu trên biển thì một số đối tượng đã chuyển đổi hình thức sang tạm nhập tái xuất theo đường bộ. Nếu vụ việc này không được phát hiện thì những hành vi này sẽ tiếp tục tái diễn.
Một điểm đáng lưu ý nữa đó là các đối tác của lô hàng trước và lô hàng này đều được xác minh không tồn tại ở Trung Quốc. Hải quan đang làm thủ tục để đề nghị xem xét lại lô hàng đã được tái xuất trước đó, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, cơ quan hải quan đã có đầy đủ chứng cứ để kết luận vụ việc có dấu hiện cấu thành tội buôn lậu tại điều 53 Bộ Luật Hình sự. Hiện cơ quan này đang hoàn tất thủ tục tố tụng để chuyển hồ sơ vụ án sang cơ quan điều tra Bộ Công An tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Đối tượng cụ thể đứng sau thực hiện vụ việc này, theo nhận định Hải quan, có thể không phải là Vinapco mà là một đối tượng khác. Song do vẫn trong quá trình điều tra nên cơ quan chức năng chưa kết luận cụ thể.
Bích Diệp