Hé lộ về kinh tế Haiti, quốc gia vừa có Tổng thống bị ám sát

(Dân trí) - Kiều hối chiếm ít nhất 1/3 GDP của Haiti. Bất chấp đại dịch Covid-19, kiều hối từ Mỹ đổ về Haiti vẫn tăng đáng kể trong năm ngoái.

Những năm gần đây, lượng tiền mà người Haiti ở nước ngoài gửi về bằng kiều hối chiếm ít nhất 1/3 GDP Haiti. Bất chấp đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp lên cao nhất lịch sử nước Mỹ, kiều hối từ quốc gia này về Haiti lại tăng đáng kể trong năm ngoái.

Theo Creative Associates International - tổ chức chuyên theo dõi lượng kiều hối - lượng kiều hối từ Mỹ về Haiti trong năm ngoái tăng 14% so với năm 2019, cao hơn mức trung bình đối với khu vực Mỹ Latin và Caribe.

Là một y tá ở Miami, Mỹ, Daniel Eugene vẫn phải làm việc xuyên suốt trận đại dịch. Anh ước tính đã gửi hơn 5.000 USD về quê hương Haiti trong năm qua, tăng so với năm ngoái.

Các chuyên gia và người dân Haiti đang sống ở Mỹ cho rằng nhu cầu kinh tế ngày càng tăng, nạn bắt cóc hoành hành và hệ thống tài chính ổn định tại nước này là 3 yếu tố chính khiến lượng kiều hối tăng mạnh.

Hé lộ về kinh tế Haiti, quốc gia vừa có Tổng thống bị ám sát - 1

Kinh tế Haiti phụ thuộc lớn vào dòng kiều hối (Ảnh: USAID).

Kiều hối về Haiti liên tục tăng trong vài năm gần đây, từ 3,1 tỷ USD trong năm 2018 lên 3,3 tỷ USD trong năm 2019. Con số 3,8 tỷ USD của năm 2020 được xem là mức cao kỷ lục, theo báo cáo ra hồi tháng 2 của Creative Associates.

Khi đứng xếp hàng ở một cửa hiệu sửa chữa máy tính trên Rogers Avenue tại Flatbush, Brooklyn (New York City), Gary Gava Valme cho biết anh liên tục phải gửi tiền về quê nhà Haiti từ năm ngoái bởi gia đình anh cần được hỗ trợ tài chính.

Kiều hối tăng để trả tiền chuộc bắt cóc

Cộng đồng người Haiti ở nước ngoài gửi tiền về quê hương không chỉ để giúp người thân có tiền để trang trải cuộc sống mà còn giúp họ thoát khỏi nguy hiểm.

Eugene cho biết có lần nhận được tin nhắn trên Whatsapp nói rằng một người bạn trong nhóm bạn thân của anh vừa bị bắt cóc. Anh đã phải góp 100 USD cùng với những người bạn khác để trả tiền chuộc cho bạn của mình.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, số lượng vụ bắt cóc do các băng nhóm có vũ trang gây ra ở Haiti liên tục tăng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, Haiti ghi nhận có 161 vụ bắt cóc được trình báo, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước đó, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho hay. Trong một số trường hợp, những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc tới hàng trăm nghìn USD.

Còn theo số liệu của Forbes, số vụ bắt cóc đòi tiền chuộc trong quý I năm nay tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số thậm chí được cho là cao hơn nữa vì nhiều vụ bắt cóc không được báo cáo lên chính quyền do người dân không tin tưởng hoặc sợ bị trả thù.

"Tôi nghĩ cộng đồng người Haiti ở nước ngoài không phải chỉ đang gửi tiền cho người thân của họ, mà còn đang tiếp tay cho nạn bắt cóc. Trả tiền chuộc có thể là một trong những lý do bạn thấy mọi người đang gửi tiền về Haiti nhiều hơn", Eugene nói.

Sức ép về kinh tế khi lạm phát tăng, GDP liên tục giảm 

Có nhiều yếu tố gây ra khủng hoảng bắt cóc ở Haiti, một trong số đó là sức ép về kinh tế, đặc biệt là từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Sau khi giảm 1,7% trong năm 2019, GDP của Haiti tiếp tục giảm 3,8% trong năm ngoái, World Bank cho biết.

Quốc gia này cũng ghi nhận lạm phát ở mức 2 con số trong hầu hết 5 năm qua, dẫn tới sức mua vốn đã yếu lại càng yếu hơn, đẩy tỷ lệ người nghèo đói của nước này lên 60% dân số, theo số liệu công bố hồi tháng 5 của World Bank.

Vì gần 1/3 GDP đến từ kiều hối nên Haiti là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào kiều hối ở Tây bán cầu, theo Ủy ban Kinh tế Châu Mỹ Latinh và Caribe. Tuy nhiên, từ mùa thu năm ngoái, người dân Haiti đón nhận một tin xấu, đó là chính phủ nước này thắt chặt quy định về tiền tệ, dẫn tới giá của đồng gourde tăng mạnh. Điều này có nghĩa là với cùng một lượng kiều hối, người dân Haiti giờ sẽ nhận được ít tiền hơn nếu tính theo gourde tại các trạm chuyển tiền quốc tế, Haitian Times đưa tin.

Từ tháng 8 đến tháng 10/2020, giá đồng gourde tăng gần gấp đôi lên 62 gourde đổi một USD. Sau đó, giá đồng tiền này giảm nhẹ và giao dịch ở 87 gourde đổi một USD tính đến tháng 5.

"Chúng tôi bị lừa dối theo hai cách khác nhau. Kết quả là chúng tôi ngày càng phải gửi nhiều tiền hơn", Eugene nói. Anh cho biết chính phủ lấy phí chuyển khoản trên mỗi giao dịch là 1,5 USD và số tiền đó được cho là để tài trợ cho các trường học.