1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hé lộ "sức khỏe" công ty sản xuất thuốc trị Covid-19 duy nhất trên sàn

Mai Chi

(Dân trí) - Doanh thu hàng năm lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận của Mekophar khá khiêm tốn. Sau khi thuốc trị Covid Movinavir được cấp phép, cổ phiếu MKP tăng "dựng đứng".

Cổ phiếu tăng gấp rưỡi trong ít ngày

Việc 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vừa được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép khẩn cấp đang gây chú ý đối với số đông công chúng.

Theo đó, một trong 3 loại thuốc trên có sự góp mặt của thuốc Movinavir của Công ty Cổ phần dược phẩm Mekorpha (mã chứng khoán: MKP). Ngay sau thông tin này, cổ phiếu MKP lập tức được "tranh cướp" trên sàn chứng khoán, tăng ngoạn mục những ngày vừa qua bất chấp biến động của thị trường.

Hé lộ sức khỏe công ty sản xuất thuốc trị Covid-19 duy nhất trên sàn - 1

Giá cổ phiếu MKP tăng "chóng mặt" trong thời gian gần đây (Ảnh chụp màn hình).

Trong phiên giao dịch 22/2, giữa lúc thị trường "đỏ lửa" thì cổ phiếu MKP của Mekophar lại tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp với biên độ tăng trên sàn UPCoM lên tới gần 15%. Thị giá mã này hiện là 64.800 đồng/cổ phiếu, tăng 22.400 đồng, tương ứng 52,83% chỉ trong vòng chưa tới một tuần giao dịch.

Được biết, giá bán một hộp thuốc chứa hoạt chất Monulpiravir được sản xuất trong nước chỉ là khoảng 300.000 đồng (thậm chí có thể thấp hơn nếu sản xuất với số lượng lớn) - thấp hơn nhiều so với giá thuốc trôi nổi trên thị trường (hơn 2 triệu đồng/hộp).

Cổ phiếu từng hủy niêm yết 

Mekophar được thành lập năm 1975, tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24 - một đơn vị thành viên của Tổng công ty Dược Việt Nam. Năm 1985, xí nghiệp này sáp nhập với Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 22, đổi tên thành Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 24 - Mekophar.

Năm 1993, Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 24 - Mekophar liên doanh với công ty Woopyung - Hàn Quốc thành lập công ty liên doanh Woopyung - Mekophar, sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp như: Amoxicilin, Ampicilin.

Năm 2000, Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 24 mua lại toàn bộ phần vốn của đối tác liên doanh và Công ty liên doanh Woopyung - Mekophar trở thành phân xưởng sản xuất Kháng sinh Bêta lactam của Xí nghiệp dược phẩm TW 24.

Năm 2001 đánh dấu bước ngoặt của Mekophar khi công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với vốn điều lệ ban đầu là 36 tỷ đồng.

Đến năm 2003, công ty đã góp vốn thành lập Bệnh viện đa khoa An Sinh, bệnh viện này đi vào hoạt động từ giữa năm 2006. Cùng năm 2006, công ty phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ra công chúng, lấy mã chứng khoán là MKP, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 84 tỷ đồng. Năm 2008, Mekophar thành lập Ngân hàng tế bào gốc MekoStem.

Năm 2010, công ty niêm yết cổ phiếu và giao dịch trên HoSE. Tuy nhiên, đến năm 2012 thì MKP lại hủy niêm yết trong bối cảnh muốn mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ được phẩm nhưng bị vướng khoảng 4,7% vốn thuộc sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Thời điểm đó doanh nghiệp có vốn nước ngoài không được quyền phân phối dược phẩm. Do vậy, ban lãnh đạo Mekophar quyết định hủy niêm yết để thực hiện tái cơ cấu cổ đông không có vốn đầu tư nước ngoài.

Phải tới năm 2017, Mekophar mới đưa cổ phiếu trở lại thị trường chứng khoán, giao dịch trên sàn UPCoM. Qua nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của Mekophar đã nâng lên con số 194,2 tỷ đồng.

Doanh thu "nghìn tỷ", thăng trầm lợi nhuận

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả của Mekophar trong những năm gần đây không mấy khả quan. Công ty đạt đỉnh doanh thu năm 2017 với mức 1.367 tỷ đồng trước khi đi thụt lùi trong giai đoạn sau đó, còn lợi nhuận cũng giật lùi kể từ năm 2014.

Hé lộ sức khỏe công ty sản xuất thuốc trị Covid-19 duy nhất trên sàn - 2

Đồ họa: Mai Chi (đơn vị: tỷ đồng).

Trong năm 2021, Mekophar đạt 1.129,85 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6,7% so với năm trước đó. Giá vốn hàng bán chiếm 920,12 tỷ đồng, tuy giảm hơn 3% so năm trước nhưng lợi nhuận gộp trong năm 2021 vẫn giảm mạnh 18,6% so với năm 2020, đạt 209,72 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm, dẫu vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 ghi nhận chỉ hơn 17 tỷ đồng, bằng 28,55% so với năm 2020.

Bên cạnh mảng kinh doanh chính thì doanh thu hoạt động tài chính cũng mang lại cho Mekophar 14,82 tỷ đồng năm vừa qua, tăng nhẹ so với mức 14,59 tỷ đồng của năm trước.

Thêm yếu tố cải thiện là Mekophar có lãi khác 7,24 tỷ đồng trong năm ngoái (năm 2020 lỗ khác 1,96 tỷ đồng). Theo đó, tổng kết lại, công ty có lãi 24,27 tỷ đồng trong năm 2021 - con số này giảm tới 58% so với năm 2020; lãi sau thuế đạt 15,86 tỷ đồng, giảm tới 60%.

Theo Mekophar, trong quý IV/2021, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bị giảm 74,14% so với cùng kỳ dù doanh thu chỉ giảm 1,72%. Nguyên nhân là tiền lương, giá cả, các chi phí đều tăng cao trong tình hình dịch bệnh. Sản lượng sản xuất của nhà máy mới tại khu công nghệ cao chưa tăng nên cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tại thời điểm 31/12/2021, Mekophar có 379,26 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 144 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng tăng 61%. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gấp rưỡi từ mức 102,07 tỷ đồng lên 158,13 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm