Hé lộ những điểm sáng, thách thức của nền kinh tế từ nay tới cuối năm
(Dân trí) - Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam được một số tổ chức quốc tế đánh giá ở 7%, 7,5%. Tuy nhiên, bên cạnh các điểm sáng vẫn còn những khó khăn, thách thức phía trước.
Trình bày tại hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều nay (12/9), Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm nay.
Tăng trưởng GDP 6 tháng năm nay ước tăng 6,42% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Nếu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa thì có khả năng sẽ đạt cao hơn ước tính ở thời điểm hiện tại.
Đồng thời, Việt Nam vẫn giữ vững được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn mất ổn định, đối mặt với rủi ro suy thoái.
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, tính chung 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,58%, tương đương các năm 2018-2021. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Nền kinh tế ước xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Kết quả dự kiến cả năm cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. IMF và WB liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam lên lần lượt là 7% và 7,5%.
Bên cạnh những bước phục hồi tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế trong quý III năm nay mặc dù dự báo đạt cao nhưng trên nền tăng trưởng quý III/2021 rất thấp (giảm 6,17% so với cùng kỳ). Áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm nay, năm 2023 ngày càng gia tăng.
Đơn cử, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao. Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương nhất là trung tâm công nghiệp của đất nước và ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, du lịch… còn tồn tại.
Giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo; giá dầu tăng cao trong khi là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.
Những yếu tố trên chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn. Trong khi đó, những yếu tố mới lại xuất hiện, nhất là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực trong ngắn hạn.
Ngoài ra, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn. Tỷ lệ giải ngân tương tự mọi năm, chưa có chuyển biến đáng kể. Một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8 đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (40,6%).
Đặc biệt, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu "tăng nóng" trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với Nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp….
Dự báo tình hình cuối năm nay và năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV và năm 2023. Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm nay, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nguồn vốn đầu tư công từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh giải ngân.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn. Trong đó, khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước.