Hé lộ bí mật đốt bỏ hàng ế của các “đại gia” hàng hiệu

(Dân trí) - Trong khi bán giảm giá đã trở thành chiêu giải phóng hàng tồn quen thuộc trên thị trường, những thương hiệu hàng xa xỉ như Louis Vuitton và Hermes không bao giờ làm vậy. Những sản phẩm bị ế sẽ được âm thầm đem đốt bỏ để giữ giá trị thương hiệu.

Không bán giảm giá, ế đem đốt

Có khi nào bạn tự hỏi nhà sản xuất ra những chiếc túi xách, đôi giày, thắt lưng…giá hàng nghìn USD làm gì với chúng khi sản phẩm bị lỗi mốt hoặc ế ẩm? Về mặt chính thức, các thương hiệu hàng xa xỉ nổi tiếng như Louis Vuitton và Hermes không bao giờ bán hàng giảm giá tại cửa hàng mình.
 
Nhưng có một số ít người đặc biệt được hưởng lợi trong quá trình “giải phóng hàng tồn” vô cùng kín đáo của họ. Việc này được thực hiện với sự bí mật cao độ. Chỉ khoảng một chục trong số nhân viên của Hermes, được chọn ra từ khoảng 10.000 nhân viên của họ, sẽ được chứng kiến.

Một buổi sáng, họ sẽ được đưa tới trước một lò đốt rác tại Saint-Ouen, Seine-Saint-Denis, ngoại ô phía Bắc Paris. Đây là nơi họp mặt rất lạ lùng với các thợ thủ công nghề da, vốn thường chỉ quen làm việc trong các xưởng. Nhưng nay họ sẽ đứng trước những ống khói lớn của nhà máy xử lý rác thải, nơi chấm dứt vòng đời của những sản phẩm tinh tế nhất của tập đoàn. Một viên quản lý của công ty cũng sẽ có mặt.

“Những sản phẩm của Hermes được chở đến bằng xe tải, dù nhiều sản phẩm vẫn còn nằm nguyên trong những chiếc hộp màu da cam”, một nhân viên chứng kiến vụ tiêu hủy kể lại. “Nhiệm vụ duy nhất của chúng tôi đó là đảm bảo rằng mọi thứ được tiêu hủy hoàn toàn và không ai có thể lấy về dùng hoặc sang tay”.

Tất cả quần áo, giày dép được chất thành đống lớn và nhanh chóng bị che phủ bằng rác từ những nơi khác và phóng hỏa. Không ai được phép chụp ảnh hay quay phim cảnh tượng này. Các nhân viên của Hermes cũng không hề hay biết. Chuyện tiêu hủy sản phẩm là đề tài cấm kỵ trong ngành hàng xa xỉ.

Ai có thể hiểu được ở một thời đại mà phát triển bền vững được đề cao, còn nước Pháp lại đang trải qua khủng hoảng kinh tế, các hãng đồ xa xỉ lại loại bỏ hàng tồn kho theo cách đó? Nhưng họ không có lựa chọn nào khác. “Đây là giải pháp cuối cùng khi tất cả các biện pháp khác đã được tính đến”, một cựu lãnh đạo công ty tiết lộ. “Với ý thức về hình ảnh của Hermes, dù là khó khăn, nhưng đây là cách duy nhất để đảm bảo tính độc đáo của thương hiệu”.

Trên thực tế, Hermes không phải “đại gia” hàng xa xỉ duy nhất giải phóng hàng tồn bằng cách đốt bỏ. Chanel, Vuitton, Dior và Prada cũng đều đang làm vậy. Bởi “cho dù là một thương hiệu hàng xa xỉ hấp dẫn, họ cũng không thể bán được mọi sản phẩm”, Serge Carreira, một chuyên gia hàng xa xỉ tại Viện Sciences-Po cho biết. “Đó là những đồ may sẵn, và do sự phù hợp theo mùa và xu hướng thời trang, hàng tồn kho sẽ lớn và có thể bị tiêu hủy”, ông giải thích thêm.

Bán giảm giá bí mật

Nhưng trước khi đưa hàng ế tới lò hỏa thiêu, các nhà sản xuất hàng xa xỉ còn có những lựa chọn khác, ít cực đoan hơn, để giải phóng hàng tồn.

Hôm 21/6 vừa qua Vuitton đã tổ chức một buổi bán hàng giảm giá tại một nhà máy chưng cất rượu bỏ hoang có tên l’Espace Clacquesin, nằm sâu bên trong khu vực Malakoff, thuộc vùng Hauts-de-Seine, ngoại ô phía Tây Nam Paris.

Các nhân viên của họ có mặt tại đây từ hôm trước, đã mua được một “mớ” sản phẩm. Mức giá là rất hấp dẫn: giảm giá khoảng 50%. Một bộ đồ bơi có giá 550 euro nay chỉ còn 275 euro. Một khách hàng đã tìm cách chụp ảnh nơi này nhưng nhanh chóng bị một bảo vệ chặn lại. Bởi không ai cần phải biết rằng Vuitton đã dành cho một số ít người có đặc quyền được tiếp cận các sản phẩm của họ với giá rẻ.

Với hầu hết mọi người, vẫn có một quy tắc không đổi đã được ông chủ cũ của thương hiệu này lặp đi lặp lại đó là “Vuitton không bao giờ giảm giá”.

Hàng ế 2 năm của Chanel

Bất chấp “hệ thống máy tính cho phép chúng tôi biết rõ hàng tuần mức độ hàng tồn của các cửa hàng và giảm lượng hàng tích trữ” như tuyên bố của một thương hiệu, những đợt bán hàng giảm giá bí mật là cách tốt nhất cho các thương hiệu lớn giải phóng hàng tồn kho.

Một đợt thanh lý hàng tồn kho bí mật
Một đợt thanh lý hàng tồn kho bí mật

Bởi, ngoại trừ Prada có những cửa hàng bán thanh lý riêng ở ngoại ô Florence, không hãng hàng hiệu lớn nào tin tưởng giao phó sản phẩm của mình cho bên thứ ba giải tỏa hàng tồn. Nguyên tắc về sự độc nhất là bất di bất dịch!

Chanel đã khóa kỹ các bộ sưu tập sản phẩm và phụ kiện của mình suốt 2 năm trong một nhà kho bí mật, gần làng Chantilly, thuộc vùng Picardy phía Bắc nước Pháp. Các sản phẩm ở đây đã lỗi mốt vài mùa khi được đưa tới l’Espace Clacquesin hồi tháng 11 năm ngoái. Một hàng dài khách hàng VIP sẵn sàng đứng xếp hàng nhiều giờ liền để có thể mua một chiếc túi xách với giá vài trăm euro.

“Sản phẩm được bán với giá chỉ từ 10 - 20% giá bán lẻ”, một nhân viên của Chanel cho biết. “Cứ với tốc độ này, một ngày nào đó khách hàng sẽ chấp nhận mọi thứ, kể cả việc thay đồ ngoài trời do không có phòng thử đồ”.

Hermes thì không dành riêng hàng tồn kho cho một nhóm khách hàng nào đó. Mỗi năm họ tổ chức một cuộc gặp với các tín đồ của mình tại trung tâm hội nghị Palais des Congres tại Paris. Không cần phải thông báo rộng rãi, “chỉ cần rỉ tai khẽ là những tin đồn làm nốt phần còn lại”, người người bán hàng kể lại.

Những giá treo quần áo được xếp thành hàng trong một căn phòng với ánh đèn neon mờ ảo. Bầu không khí khác hoàn tòan những cửa hiệu trên phố lớn. Những bộ quần áo may sẵn, cà vạt, giày, khăn trải giường được bán với giá giảm từ 40 - 60%. “Chỉ 3 ngày giải phóng hàng tồn kho đã giúp chúng tôi trung bình bán hết, tùy từng năm, lượng hàng hóa của khoảng 3 quý”, một nhân viên giấu tên tiết lộ.

Bán sang châu Phi

Ngoài việc tiêu hủy hàng tồn kho, các hãng hàng xa xỉ còn có một giải pháp khác đó là bán thanh lý cho người mua buôn. Nhưng hoạt động này là tối mật. Chỉ có một vài công ty trên thị trường được chọn, hầu hết là các công ty của Mỹ như Chiron. Ông Maurice Goldberger, lãnh đạo của cong ty này cho biết mỗi năm họ thường mua khoảng 2-3 triệu USD hàng hiệu tồn kho, bao gồm cả đồng hồ Thụy Sỹ.

“Chúng tôi bán các sản phẩm của họ tại Mỹ và Canada, những nước việc thanh lý hàng tồn kho diễn ra rất mạnh, và hàng tồn có thể cùng tồn tại với một mạng lưới các cửa hàng truyền thống”, Michael Benabou, thành viên mạng bán thanh lý bí mật kiêm chuyên gia thu thập hàng xa xỉ cho biết. “Các sản phẩm cũng có thể đến với những nơi nhãn hiệu không quan trọng, như Nam Mỹ hay châu Phi”.

Một người mua gom khác, doanh nghiệp nhà Simah, gồm cha và con, tại Pháp cũng đã có 20 năm làm ăn với khoảng 30 thương hiệu hàng xa xỉ. Hoạt động kinh doanh của họ là rất bí mật, với doanh số hơn 10 triệu sản phẩm, chủ yếu là tại “những nước nơi các thương hiệu đó không chính thức hiện diện”, Kevin Simah, con trai của ông Simah tiết lộ.

Mới đây Kevin đã mở một cửa hàng bán lại hàng xa xỉ thanh lý tại Paris. Thách thức của anh đó là thuyết phục ngày càng nhiều thương hiệu lớn đừng chuyển đồ tồn kho tới lò đốt rác.

Thanh Tùng
Theo Challenges