1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giám đốc tiếp thị khu vực Đông Dương của Nokia:

Hãy nâng mức xà sau mỗi cú nhảy thành công

Tốt nghiệp đại học, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Cộng hoà Czech, về nước năm 1996, ông Nguyễn Thắng đã từng làm việc tại Co-opmart rồi đảm nhận các cương vị: giám đốc bộ phận phát triển và chăm sóc khách hàng của Pepsi; giám đốc tiếp thị của Colgate và hiện nay là giám đốc tiếp thị khu vực Đông Dương của Nokia.

Trong một lần trò chuyện, ông có nói rằng nguyên tắc của ông là không xuất hiện trên báo chí với tư cách cá nhân. Vì sao ông lại có quan điểm như vậy?

Tôi nghĩ có phần do tính cách của mình; có phần do kinh nghiệm. Tôi nhớ có cuốn sách đã nói rằng xung quanh con người ta ở khoảng cách 3 mét là cộng đồng; khoảng cách gần hơn nữa là người thân và ở khoảng cách dưới nửa mét là người rất thân.

Ngay khoảng cách không gian cũng có giới hạn chung- riêng. Hơn nữa, nếu nói về cá nhân bao giờ cũng có phần chủ quan. Chẳng hạn khi ta nói về thành tích, thì đó là của tập thể, của nhóm.

Tôi nghĩ nếu mình xuất hiện trên báo chí ở cái khoảng cách nửa mét của mình thì có điều gì đó không hợp lý. Mặt khác, cuộc sống của doanh nhân, đi nhiều, gặp nhiều, nên tôi muốn dành cho mình khoảng lặng riêng để cân bằng cho cuộc sống quá ư bận rộn, tất bật.

Hiện nay Nokia đang giữ vị trí số 1 trên thị trường điện thoại di động? Ông có thấy thách thức ở vị trí này?

Mỗi vị trí đều có thách thức riêng. Nếu ở số 1 thì thách thức là phải giữ vị trí đó. Nếu không phải ở số 1 thì thách thức là phải vươn lên vị trí số 1. Khi tôi làm ở Colgate thì Colgate không phải là số 1. Với Colgate, có thời điểm thị phần chỉ là 8- 9%, trong vòng 3 năm có lúc lên 32%. Đó là nỗ lực của cả tập thể chứ không phải của cá nhân nào.

Với Nokia, tôi bị hấp dẫn bởi thị trường điện thoại di động. Đây là một ngành đang phát triển cực kỳ sôi động. Mỗi năm có đến 80- 100 sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường.

Theo ông, áp lực nào nặng hơn, ở số 1 hay không ở số 1?

Kinh doanh bao giờ cũng có chỉ tiêu. Các chỉ tiêu về doanh số, thị phần và cả những chỉ tiêu về thương hiệu. Có thể so sánh gọi đó là những mức xà. Giống như vận động viên nhảy cao, mức xà không bao giờ ngừng lại, luôn được nâng cao hơn, cao hơn nữa để phấn đấu. Trong quản lý kinh doanh, người ta không bao giờ có trạng thái dừng lại.

Xin hỏi một câu liên quan đến quan điểm: có bao giờ bước vào cơ quan, ông thấy nhân viên của mình đang dùng một chiếc điện thoại không phải là nhãn hiệu Nokia. Ông xử lý vấn đề đó như thế nào?

Khi còn làm cố vấn cho Saigon Co-op, có lần tôi đi đón đối tác nước ngoài là các quan chức của hãng Gillette để bàn thảo về công việc. Lúc đó vì đoàn rất đông nên có thuê xe bên ngoài mà tình cờ trên xe chở khách có dán logo của đối thủ cạnh tranh của Gillette. Các quan chức Gillette khi lên xe đã quay xuống và cương quyết không đi chiếc xe đó.

Đây là một trường hợp duy nhất tôi đã gặp về chuyện này. Trong công việc của mình, theo tôi, điều đó thuộc về ý thức. Nếu bản thân anh không yêu mến thương hiệu đó thì anh không thể làm việc tốt được.

Vậy còn trong cuộc sống, ông có những mức xà riêng cho mình không?

Trong cuộc sống ai cũng có ước mơ. Có người chi tiết hoá, cụ thể hoá những ước mơ đó ra. Ví dụ 5 năm, 10 năm nữa ta sẽ làm gì, trở thành người như thế nào. Thường thì với mục tiêu cá nhân, người ta chỉ chia sẻ trong một nhóm nhỏ. Những người thân, người biết mình mới đóng góp cho mình xem mục tiêu cá nhân đó khả thi không, bước đi có hợp lý với mình hay không?

Ông đã nhắc đến tầm quan trọng của việc tìm cân bằng trong cuộc sống. Theo ông, làm sao để có thể tìm được sự cân bằng này?

Theo tôi, mỗi người có cách riêng cho bản thân mình. Không có một cách thức chung cho tất cả mọi người. Có người chơi thể thao, có người tìm đến bạn bè nhậu lai rai chẳng hạn.

Nguyên tắc chung, theo tôi, tìm cân bằng là ở chỗ phải tạm quên đi cái đang thu hút tất cả tâm trí, sức lực của mình, tạm quên đi cái cuốn hút mình. Đó là chuyện của từng cá nhân. Với tôi, ngồi nói chuyện với nhà báo cũng là cách để nhìn lại mình.

Việc mở cửa hội nhập đã tạo điều kiện cho một lớp doanh nhân trẻ cơ hội làm việc trực tiếp với các tập đoàn lớn của nước ngoài. Là người từng trải, ông có thể nói điều gì tâm đắc với lớp trẻ hôm nay?

Thế hệ trẻ hiện nay có nhiều người có kiến thức nền rất tốt. Song cũng cần nhanh chóng tích luỹ vốn sống. Vậy nên hãy cố đi thật nhiều nơi khi còn sung sức. Mới đây, trong chuyến đi Úc, khi ngồi ăn ở nhà hàng tôi có gặp hai cô gái trẻ người Ailen làm phục vụ bàn. Hỏi ra mới biết cả hai vừa tốt nghiệp đại học. Họ muốn đi du lịch. Không có trợ cấp, họ đã tìm kiếm việc làm để có tiền phục vụ cho mục đích đó. Họ hoạch định sẽ dừng lại ở Sydney vài tháng trong chặng đường của mình.

Nhiều bạn trẻ đang tự hỏi: đi vào thế giới bằng cách nào? Tôi rất thích lối tư duy như hai bạn trẻ Ailen. Hãy đi vào thế giới bằng cách tự thân. Tự thân là trường học để rèn luyện các kỹ năng cần thiết bổ sung cho nền kiến thức của mình.

Trở lại câu hỏi về số 1 và số 2. Trong cuộc sống gia đình, ông thích số 1 hay số 2?

Xin lỗi nhé. Câu hỏi lại không đúng với nguyên tắc mà ta đã giao hẹn ở đầu câu chuyện.

Theo Hy Hưng - Quốc Khánh
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm