“Hãy để kinh tế Nhà nước cạnh tranh bình đẳng!”
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nêu ra quan điểm như vậy khi trao đổi với báo chí về vai trò kinh tế Nhà nước trong bối cảnh hiện nay để góp ý cho dự thảo Văn kiện Đại hội XI sắp tới.
Theo dự kiến, khoảng trung tuần tháng 9, các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI sẽ được công bố để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Một nội dung được đánh giá sẽ thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó xác định các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng và kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo...
Cần nhưng phải thực chất
Việc xác định vai trò kinh tế Nhà nước làm chủ đạo nền kinh tế đất nước trước đây đã gây nhiều tranh cãi. Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thời gian qua, cụ thể nhất là câu chuyện của Vinashin lại càng gây tranh cãi nhiều hơn. Đã đến thời điểm cần nhìn thẳng vào sự thật xem kinh tế Nhà nước có thực sự chủ đạo hay chỉ mới được khoác vào một cái áo rất đẹp đẽ nhưng thực chất bên trong không phải thế.
Tôi cũng lưu ý trên khắp thế giới không có một nước nào có câu này cả, ngay Trung Quốc cũng không đặt vấn đề này. Vấn đề ở đây là phải xác định làm sao để nền kinh tế tăng trưởng, bền vững, có hiệu quả.
Nhưng không thể phủ nhận là thời gian qua các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước đã đóng góp rất nhiều vào GDP của Việt Nam, thưa ông?
Chúng ta rất cần những tập đoàn nhưng phải là những tập đoàn thực chất chứ không phải là một con số cộng hành chính lại với nhau, không đem lại một sức mạnh thật mà còn gây ra nhiều vấn đề.
Đến nay cho thấy kinh tế Nhà nước thu hút rất nhiều tín dụng, sử dụng rất nhiều tài sản nhưng mà xuất khẩu thấp, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế thấp và đặc biệt xảy ra tình trạng “vừa mất của, vừa mất người” như Vinashin. Nợ của Vinashin tương đương 4,8% GDP, đấy là một tài sản khổng lồ làm sao bù lại được. Chưa kể chúng ta đã mất thêm ông Bình (ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT Vinashin đã bị bắt tạm giam - PV) là một con người rất hăng hái…
Vậy theo ông, nguyên do vì sao lâu nay chúng ta vẫn tiếp tục duy trì kinh tế Nhà nước làm chủ đạo?
Có thể có một số người đưa ra lý do về lý luận… Ngoài ra, theo tôi, có một lý do không nói ra là lợi ích nhóm đằng sau các DN. Đằng sau đó rất nhiều chuyện, giá trị của DNNN tài sản hữu hình như đất đai, tài sản vô hình như vị trí đất ở trung tâm TP chỉ có các DNNN có được,… đã đánh giá hết chưa? Chính những điều này là ẩn số mà những người trong lợi ích nhóm dùng cái chủ đạo định hướng xã hội chủ nghĩa để bảo vệ lợi ích nhóm của mình.
Phát huy tối đa mọi nguồn lực
Làm thế nào để có nhận thức mới về vấn đề này, thưa ông?
Phải mang vấn đề này ra thảo luận một cách dân chủ. Theo tôi, có bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước cũng không mất đi cân thịt nào cả. Thay vào đó là phát huy tính cạnh tranh trên cơ sở phát huy tối đa mọi nguồn lực của người dân để kinh tế dân doanh phải được phát triển. Tất cả thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng chứ không cần phải nhấn mạnh ông nào chủ đạo. Ngay cả cách đặt vấn đề vừa nói các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng lại vừa bảo kinh tế Nhà nước là chủ đạo đã là mâu thuẫn.
Không quan trọng ai là chủ đạo thì có thay đổi được tình trạng hiện nay để nền kinh tế phát triển bền vững, hiệu quả không, thưa ông?
Phải cải cách cả thể chế, bộ máy Nhà nước. Nhà nước không nên trực tiếp tham gia vào kinh doanh mà tập trung làm tốt giáo dục, y tế, tổ chức kết cấu hạ tầng,… Còn tất cả việc kinh doanh phải để nền kinh tế làm. Không thể nào một ông vừa làm thứ trưởng, vừa làm chủ tịch HĐQT như hiện nay. Tôi không biết trong người ông này có mấy trái tim mà vừa phải kinh doanh tính toán lỗ lãi, mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, rồi lại thêm một trái tim hành chính chỉ được chấp hành theo pháp luật!
Cạnh tranh bình đẳng
Nhưng có nhiều ý kiến lo ngại có những việc phải do kinh tế Nhà nước chủ đạo mà khối kinh tế tư nhân không thể đảm nhiệm thay được. Chẳng hạn như vấn đề điều tiết về giá cả…?
Tất cả mệnh đề nói DNNN phải điều tiết kinh tế vĩ mô tôi cho rằng cho đến nay, cả về khoa học kinh tế lẫn thực tế đều chưa chứng minh điều này. Hãy để DN là DN. Còn muốn quản lý giá thì hãy tổ chức cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh. Rồi thực hiện điều tra cạnh tranh xem ông nào lừa dối, ông nào bán kém chất lượng, khi ấy phạt tới bến. Hiện nay vai trò của cạnh tranh thấp, trong khi đó vai trò quản lý giá bằng hành chính thì rất nhiều.
Nếu vậy, thành phần nào sẽ đủ sức để giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế hiện nay, thưa ông?
Tôi xin nhấn mạnh rằng lịch sử không thể nào sang trang qua đêm, phải có quá trình từng bước phát triển. Tôi cũng muốn nhấn mạnh không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng đều ngon lành. Những đại gia ngon lành hiện nay phải xem có phải là những ông có đóng góp vào tiến bộ khoa học công nghệ không, có như Bill Gates tạo ra phần mềm cả thế giới dùng không… Phần lớn những đại gia đó đều có mối quan hệ với quan chức được tiếp cận đất đai, hầm mỏ… và họ giàu lên từ những nguồn đó chứ không phải nhờ áp dụng khoa học công nghệ, phát minh. Tất cả những ông đó không có sức cạnh tranh quốc tế.
Vì vậy không nên quá ảo tưởng và cũng không nên nghĩ rằng bây giờ doanh nghiệp tư nhân có thể thay thế được.
Mệnh đề của tôi là các DNNN phải cạnh tranh bình đẳng. Những đứa con được nuông chiều dễ trở thành những đứa con hư, cây nào sống trong nhà kính thì không thể chịu được gió bão. Hãy để nó sống trong môi trường bình thường, chịu gió bão cạnh tranh, phải phấn đấu lên thì khi ấy DNNN mới có hiệu quả hơn. Cần có một lộ trình cắt giảm, không thể ngay lập tức cắt giảm hết. Không ai cai sữa cho một đứa trẻ qua đêm, phải làm dần dần để hướng đến môi trường cạnh tranh hơn.
Xin cảm ơn ông!