1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hãy chuẩn bị cho "cú sốc giá" nếu đi du lịch mùa hè này

Nhật Linh

(Dân trí) - Nếu bạn đi du lịch vào mùa hè này, hãy chuẩn bị tinh thần cho "cú sốc giá", bởi giá vé máy bay, khách sạn đang đồng loạt tăng mạnh.

Các hãng hàng không và các điểm du lịch đang hy vọng lượng khách sẽ tăng "khủng" vào mùa hè này khi các hạn chế đi lại được nới lỏng và nỗi lo đại dịch giảm bớt.

Nhiều dự báo tin rằng lượng khách du lịch sẽ tương đương hoặc thậm chí cao hơn so với cả trước đại dịch. Tuy nhiên, việc thiếu hàng nghìn nhân viên so với thời điểm năm 2019 khiến cho các chuyến bay bị hủy trở nên phổ biến.

Hãy chuẩn bị cho cú sốc giá nếu đi du lịch mùa hè này - 1

Nhiều người bị sốc bị giá vé tăng chóng mặt trong mùa du lịch hè năm nay (Ảnh: AP).

Điều đó khiến nhiều người bị sốc bị giá vé tăng chóng mặt. Theo công ty dữ liệu du lịch Hopper, vé máy bay nội địa Mỹ trong mùa hè này đang ở mức trung bình hơn 400 USD/vé khứ hồi, cao hơn 24% so với thời điểm này năm 2019, thời điểm trước đại dịch và cao hơn 45% so với năm ngoái.

"Thời điểm để có vé máy bay mùa hè giá rẻ có lẽ cách đây khoảng 3-4 tháng", ông Scott Keyes, người điều hành trang bán vé giá rẻ Scott's Cheap Flights cho biết.

Trên bình diện quốc tế, giá vé máy bay cũng tăng hơn so với năm 2019, nhưng chỉ tăng 10%. Đáng chú ý, giá vé đến châu Âu đang rẻ hơn khoảng 5% so với trước đại dịch - trung bình 868 USD cho một chuyến đi, theo Hopper.

Theo Adobe Analytics, dù chi tiêu trực tuyến cho các chuyến bay của Mỹ đã giảm bớt trong tháng 4 sau khi tăng nóng trong tháng 3, song vẫn tăng 23% so với mùa xuân năm 2019, phần lớn là do giá vé cao.

Các hãng hàng không đổ lỗi cho việc giá vé cao hơn là do giá nhiên liệu máy bay đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2019. Hơn nữa, số lượng chuyến bay vẫn chưa trở lại như mức trước đại dịch dù nhu cầu đi lại tăng cao.

Không chỉ vé máy bay, giá khách sạn cũng tăng khoảng 1/3 so với năm ngoái, nhưng cũng đã nhanh chóng được lấp đầy. Các công ty khách sạn cho rằng giá phòng cao hơn là do chi phí của các nguồn cung tăng lên cũng như lương nhân viên cao hơn do thị trường lao động eo hẹp.

Tuy nhiên, việc thuê xe tại Mỹ sẽ không khó tìm và đắt đỏ như mùa hè năm ngoái, bởi các hãng cho thuê đã xây dựng lại đội xe. Theo Hopper, giá thuê xe trung bình một ngày ở Mỹ hiện khoảng 70 USD.

Ông Jonathan Weiberg, người sáng lập website cho thuê xe có tên AutoSlash, cho biết giá cả và lượng xe có sẵn sẽ không đồng đều, nhưng nó sẽ không tệ như mùa hè năm ngoái. Một số nơi như Hawaii, Alaska hay các điểm gần công viên quốc gia, giá xe sẽ cao hơn mức trung bình và khá khan hiếm.

Nhưng ngay cả khi bạn tự lái xe của mình đi du lịch thì chi phí cũng sẽ đắt đỏ hơn. Bởi giá xăng trung bình trên toàn quốc ở Mỹ đã đạt 4,6 USD/gallon, thậm chí ở California, giá xăng còn lên đến 6 USD/gallon. "Tôi thực sự không thể quen được với việc giá xăng lên đến 6 USD/gallon", Juliet Ripley ở San Diego cho biết khi cô phải trả 46,38 USD cho 7,1 gallon xăng cho chiếc Honda Civic của mình. Vì vậy, bà mẹ hai con này sẽ không đi du lịch hè này ngoài chuyến đi biển gần nhà.

Nhưng với những người vẫn quyết tâm đi du lịch hè này, câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu các hãng hàng không, sân bay, khách sạn và các doanh nghiệp du lịch khác có phục vụ nổi lượng khách đang tăng cao hiện nay không. Bởi hiện nay, trung bình mỗi ngày có 2,1 triệu hành khách đi máy bay ở Mỹ, tương đương khoảng 90% so với mức năm 2019. Con số này chắc chắn còn tăng thêm hàng trăm ngàn người mỗi ngày vào tháng 7.

Khi du lịch hàng không sụp đổ vì đại dịch vào năm 2020, các hãng hàng không đã phải sa thải hàng loạt nhân viên. Nhưng giờ đây, họ lại đang giành nhau để tuyển dụng phi công, tiếp viên và các nhân viên khác.

Vào đầu năm nay, tổng số nhân viên của 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ là America Airlines, Delta Air Lines, United Airlines và Southwest Airlines vẫn ít hơn khoảng 36.000 người so với trước đại dịch, giảm gần 10%, dù việc tuyển dụng diễn ra rầm rộ từ cuối năm ngoái.

Việc thiếu hụt phi công đặc biệt xảy ra ở các hãng hàng không nhỏ nhưng khai thác gần một nửa số chuyến bay ở Mỹ như American Eagle, Delta Connection và United Express.

Để tránh tình trạng quá tải nhân viên, nhiều hãng đã phải cắt giảm lịch bay trong mùa hè. Nhiều chuyến bay phải hủy vào phút chót. Tuần này, Delta Air Lines đã cắt giảm khoảng 100 chuyến bay mỗi ngày, tương đương 2% so với lịch trình tháng 7 và trung bình hơn 150 chuyến bay mỗi ngày, tương đương 3%, vào tháng 8.

Việc hủy chuyến không chỉ diễn ra ở Mỹ. Tại Anh, các hãng như easyJet và British Airways cũng đã phải cắt giảm nhiều chuyến bay vào mùa xuân vừa qua do thiếu nhân viên.

Một đáng tiếc là khách du lịch Trung Quốc, những người chi tiêu cho du lịch nhiều nhất thế giới, vẫn bị hạn chế đi lại do đại dịch. Một số điểm đến ở châu Âu cho biết lượng khách Trung Quốc giảm hơn 90% so với năm 2019.

Theo AP