Hậu WTO: Những khó khăn với doanh nghiệp nông nghiệp

Để gia nhập WTO, Việt Nam đã phải đàm phán tất cả các nội dung liên quan đến nông nghiệp và đi tới cam kết điều chỉnh hệ thống chính sách trong nước phù hợp với quy định của WTO, không trợ cấp xuất khẩu nông sản ngay khi gia nhập.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong xuất khẩu nông sản. Từ chỗ 20 năm trở về trước, Việt Nam hầu như không xuất khẩu nông sản, cho tới nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và cà phê đứng thứ hai trên thế giới và cũng là nước đứng trong nhóm quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thuỷ sản và nhiều sản phẩm nhiệt đới khác như cao su, hồ tiêu, hạt điều, chè.

Tuy nhiên, thực tế của môi trường kinh doanh mới khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ đặt ra những vấn đề khó khăn cho nền nông nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng.

Dưới đây là một số ý kiến về những kinh nghiệm và bài học hay, những giải pháp, hành động khả thi đặc biệt về hoàn thiện vai trò quản lý Nhà nước, hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có thể tồn tại và phát triển hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành, tạo thêm nhiều việc làm thu nhập thoả đáng, cải thiện đời sống cho người lao động trong ngành nông nghiệp.

Những vấn đề lớn của doanh nghiệp nông nghiệp
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc cắt giảm thuế hàng nông sản trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Mức thuế bình quân đã giảm xuống còn khoảng 4% so với mức thuế MFN hiện hành bình quân của hàng nông sản là 24,5%.

Đối với Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Việt Nam đã thực hiện giảm thuế trong Chương trình “Thu hoạch sớm” đối với các nông sản tươi sống (từ chương 1 đến chương 8 của biểu thuế) từ 1/1/2004 và sẽ hoàn thành vào 1/1/2008.

Chương trình “cắt giảm thông thường” cho các sản phẩm còn lại cũng đã bắt đầu triển khai từ giữa năm 2005 và sẽ cơ bản hoàn thành để có thuế suất xuống 0 - 5% vào năm 2013. Còn Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Hàn Quốc vừa kết thúc đàm phán sẽ được triển khai thực hiện trong tương lai không xa. Ngoài ra, Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán về Khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Để gia nhập WTO, Việt Nam đã phải đàm phán tất cả các nội dung liên quan đến nông nghiệp và đi tới cam kết điều chỉnh hệ thống chính sách trong nước phù hợp với quy định của WTO, không trợ cấp xuất khẩu nông sản ngay khi gia nhập; về mở cửa thị trường nông sản cũng đã kết thúc đàm phán song phương với 28 nước.

Theo đó, Việt Nam sẽ giảm thuế hàng nông sản khoảng 20%) so với mức MFN hiện hành trong vòng 3- 5 năm (từ mức 24,5% hiện nay xuống còn xấp xỉ 20%). Tất nhiên sẽ có sự khác nhau về mức độ giảm thuế giữa các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm. Những nhóm hàng phải giảm nhiều nhất là thịt, sữa, rau quả chế biến, thực phẩm chế biến, quả ôn đới.

Cam kết về hệ thống chính sách nông nghiệp điều chỉnh phù hợp với WTO sẽ tạo ra môi trường kinh doanh trong nước bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Bên cạnh cơ hội tiếp cận thị trường các nước trong khu vực, gia nhập WTO sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường cho nông, lâm sản Việt Nam do được hưởng quy chế MFN của 149 nước thành viên WTO. Điều này rất phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2010 là phát triển một nền nông nghiệp hướng mạnh ra xuất khẩu. WTO còn là diễn đàn để các nước đấu tranh chống lại những đối xử bất công trong thương mại.

Trong quá trình đổi mới và hội nhập, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đã đúc rút, tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm để phát triển. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư theo chiều sâu và đa dạng hoá sản phẩm để tăng khả năng xâm nhập thị trường, đây là cơ sở tốt để các doanh nghiệp vươn lên khi cơ hội thị trường rộng mở.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ nội tại cũng như từ quá trình tự do thương mại đem đến. Những khó khăn mang tính nội tại này xuất phát từ nền nông nghiệp nước ta có trình độ phát triển thấp, quy mô sản xuất nhỏ bé, manh mún, năng suất lao động rất thấp, chất lượng nhiều loại nông sản không cao, nhiều doanh nghiệp chế biến luôn trong tình trạng thiếu hoặc không đảm bảo nguyên liệu dẫn đến giá thành cao, chất lượng thấp.

Đa số doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tới 60% số doanh nghiệp nông lâm nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Vì thế, hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp thấp hơn nhiều so với các ngành kinh tế khác.

Những yếu tố để đánh giá năng lực hội nhập kinh tế quốc tế như tỷ lệ cán bộ biết ngoại ngữ, vi tính, tham gia đào tạo, xây dựng mạng lưới khách hàng, thương hiệu... trong các doanh nghiệp nông nghiệp nhìn chung còn thấp, nhất là doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, thách thức mang đến cho từng ngành có sự khác nhau khi tham gia tự do hoá thương mại khu vực hoặc WTO, trong đó, các doanh nghiệp thuộc ngành mía đường, rau quả, chăn nuôi sẽ phải chịu nhiều áp lực lớn từ việc mở cửa thị trường nội địa.

Ngoài các cam kết về mở cửa thị trường, Việt Nam còn cam kết mở rộng quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, quyền phân phối cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, các công ty đa quốc gia vốn rất mạnh về tài chính, hệ thống phân phối, thông tin, trình độ quản lý... khi vào kinh doanh tại Việt Nam sẽ là những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới, vươn lên để tồn tại và hoạt động có hiệu quả.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
TS.Chu Tiến Quang, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Để có môi trường cạnh tranh lành mạnh và đáp ứng những quy định của WTO thì tự thân thị trường và các doanh nghiệp không thể tạo ra, mà phải có vai trò can thiệp của Nhà nước khi trên thị trường xuất hiện các hành vi kinh doanh sai luật và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Trong điều kiện ở nông thôn của một nền kinh tế như Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp còn yếu và hạn chế về các hoạt động thị trường (vốn, đất đai, lao động), chưa hiểu được các nguyên tắc cơ bản của cạnh tranh trong kinh tế thị trường, giữa những doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có sự cách biệt rất xa và sự khác biệt giữa các doanh nghiệp còn tăng lên theo khoảng cách gần, xa với các thành phố, trung tâm công nghiệp, dịch vụ.

Vì vậy, sự tác động của Nhà nước vào từng khu vực sẽ không giống nhau và phải theo các đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ thúc đẩy nhanh hơn tiến độ cải cách các doanh nghiệp Nhà nước trong nông nghiệp, nông thôn theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường.

Theo đó, các doanh nghiệp Nhà nước trong nông, lâm, thuỷ sản được quyền tự chủ sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của thị trường trên các nguồn lực mà Nhà nước giao và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trước pháp luật. Các chính sách hỗ trợ đối với sản xuất nông, lâm, thuỷ sản sẽ được triển khai chung theo vùng hoặc theo ngành sản phẩm dựa trên quy hoạch do Nhà nước xác định, đồng thời, xoá bỏ những ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước trong việc tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Nhà nước như hiện nay.

Đối với khu vực hợp tác xã và các tổ chức kinh tế hợp tác nhỏ ở nông thôn, Nhà nước cần triển khai đồng bộ những quy định về các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Luật hợp tác xã để giúp khu vực này có đủ năng lực tham gia cạnh tranh trên thương trường, nâng cao năng lực hợp tác trong các hoạt động dịch vụ và sản xuất, kinh doanh.

Đối với khu vực kinh tế tư nhân, cần phải tiếp tục triển khai những công việc như: tổ chức nối mạng hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh doanh nghiệp trong cả nước và bãi bỏ quy định doanh nghiệp chỉ được đăng ký thành lập ở cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh; từng tỉnh hoặc một số tỉnh trong vùng cần phối hợp tổ chức định kỳ hàng năm hội nghị gặp mặt các chủ doanh nghiệp thuộc mọi loại hình ở nông thôn để trao đổi kinh nghiệm và đối thoại với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan...

Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng và duy trì các điều kiện cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp trên mỗi vùng sản xuất ở nông thôn bằng cách quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, vùng chuyển đổi sang công nghiệp, dịch vụ cụ thể và mang tính dài hạn, tạo cơ sở pháp lý ổn định để các loại hình doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh lâu dài.

Các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất, chất lượng, vệ sinh - an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm của nông, lâm, thuỷ sản, công nghiệp chế biến, sản phẩm làng nghề... và những hạn chế trong sử dụng nguồn lực, tài nguyên trên mỗi vùng sản xuất ở nông thôn cần sớm ban hành cho mọi loại hình doanh nghiệp, không phân biệt thành phần, quy mô, tạo cơ sở để các loại hình doanh nghiệp và tư nhân xem xét, quyết định đầu tư tham gia kinh doanh và cạnh tranh trên những điều kiện và tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành.

Định hướng cho nền thương mại nông nghiệp
Ông Michael W.Marine, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Theo ý kiến cá nhân của tôi, trước tiên, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc xúc tiến thương mại nông nghiệp trong những năm gần đây, và tôi thấy rằng không có lý do gì mà Việt Nam lại không tiếp tục thực hiện công việc này.

Chính sách phù hợp của Chính phủ Việt Nam là điều kiện tiên quyết dẫn đến sự thành công của ngành thương mại nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới. Biện pháp đơn phương xoá bỏ mọi thuế quan đối với mặt hàng bông và gỗ của Chính phủ giúp cho ngành công nghiệp xuất khẩu may mặc và đồ gỗ của Việt Nam trở thành ngành hàng mũi nhọn cạnh tranh trên thị trường thế giới. Xoá bỏ thuế quan đối với mặt hàng khô dầu đậu tương là một bước tiến không chỉ đối với ngành xuất khẩu thuỷ sản mà còn đối với sự phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi trong nước.

Thứ hai, việc cho phép các xí nghiệp liên doanh và các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng là một bước tiến đối với ngành thương mại nông nghiệp ở Việt Nam. Sự tham gia của các công ty nước ngoài rất quan trọng trong việc phát triển ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, may mặc và sản xuất đồ gỗ. Gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã cho phép các công ty nước ngoài tham gia hoạt động trong lĩnh vực cà phê, đây là một bước đi dự báo tốt đẹp cho sự phát triển tiếp theo của ngành này.

Thứ ba, cùng với việc gia nhập WTO, Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa ngành nông nghiệp với các mức thuế thấp hơn và cho phép nhiều công ty nước ngoài tham gia hơn, các bước đi này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền thương mại nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi cũng luôn hoan nghênh Việt Nam tiếp tục tiến xa hơn những gì đã cam kết khi gia nhập WTO, và thậm chí nếu có thể tiến tới tự do hoá thương mại hoàn toàn và chính sách mở cửa đối với sự tham gia của nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Các mức thuế thấp cho các mặt hàng nông sản tiêu dùng thực sự cũng quan trọng như các mức thuế thấp cho nguyên liệu đầu vào. Chính mức thuế thấp sẽ dẫn tới giá thành hạ, giúp tăng phúc lợi chung và về lâu dài, cho phép Việt Nam sử dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp của mình cho các ngành nông nghiệp mũi nhọn đã thành công.

Một điều quan trọng đối với Việt Nam là cần đưa hệ thống y tế ngang tầm với tiêu chuẩn quốc tế sao cho ngành thương mại nông nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm cho toàn thế giới và Việt Nam cũng có thể tiếp cận một cách công bằng và cởi mở với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.

Đồng thời, tất cả các bạn hàng thương mại của Việt Nam trong WTO, kể cả Hoa Kỳ cần phải bảo đảm rằng những yêu cầu về vệ sinh - an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm của Việt Nam phải dựa trên cơ sở khoa học vững chắc và đơn giản hoá tối đa để có thể thực hiện được.

Ở một lĩnh vực khác, vấn đề có tính cấp bách đối với sự phát triển của ngành thương mại nông nghiệp là Việt Nam cần tăng cường việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù hiện nay có thể có một số các công ty đang thu lợi trước mắt từ việc bỏ qua vấn đề bản quyền, đơn giản là do sự yếu kém của hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến việc các doanh nghiệp kinh doanh nông sản của Việt Nam không được tiếp cận với các nguồn gen động thực vật hay máy móc công nghệ chế biến tiên tiến nhất.

Một ví dụ điển hình là trong lĩnh vực trồng hoa. Các nhà sản xuất nước ngoài không muốn chịu rủi ro đánh mất lợi thế của mình khi chào bán các loại gen hay công nghệ hàng đầu, và kết quả là họ chỉ chào bán các sản phẩm loại 2 hay loại 3 cho các nhà nhập khẩu Việt Nam. Không bảo đảm được quyền sở hữu trí tuệ cũng có nghĩa là các doanh nghiệp nông sản Việt Nam không thể đưa chính mình vào vị thế đón đầu công nghệ mới.

WTO tác động tích cực đến doanh nghiệp nông nghiệp
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế

Tôi thực sự tin là gia nhập WTO mang lại cho các doanh nghiệp nông nghiệp rất nhiều cơ hội tương đối cơ bản để có thể thay đổi vị thế của họ trên thương trường cũng như sự phát triển trong tương lai.

Điều đầu tiên, cơ hội lớn nhất chính là sự quan tâm, môi trường pháp lý và chính sách đối với nông nghiệp sẽ tốt hơn, minh bạch và ổn định hơn do vừa xuất phát từ nhu cầu phát triển của Việt Nam, vừa phù hợp với các cam kết của WTO.

Thứ hai, Nhà nước sẽ điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường hơn, bền vững hơn. Đây là điều quan trọng để giúp cho các doanh nghiệp phát triển bởi nhiều chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp cho đến nay vẫn chưa thực sự theo hướng thị trường hoặc tôn trọng các quy luật của thị trường. Trong thời gian tới, khi thị trường phát triển tốt hơn thì doanh nghiệp cũng có cơ hội phát triển.

Thứ ba, các biện pháp, công cụ hỗ trợ mới của Nhà nước đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ công bằng và phù hợp hơn theo cam kết của WTO.

Thứ tư, các ngành dịch vụ, công nghệ, công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp sẽ phát triển, cơ sở hạ tầng ở nông thôn sẽ được cải thiện. Vì hiện nay có 2 vấn đề lớn cần phải được cải thiện, đó là dịch vụ tín dụng để cho thương mại nông sản có thể phát triển và dịch vụ hạ tầng cơ sở.

Triển vọng tiếp cận thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp nông nghiệp cũng tốt hơn do vị thế mới của Việt Nam trong WTO và Việt Nam sẽ được tham gia vòng đàm phán Doha để bảo vệ quyền lợi về nông nghiệp ở đó. Thị trường nội địa của Việt Nam cũng sẽ phát triển, hệ thống phân phối mở rộng, thuận lợi hơn cho tiêu thụ nông sản.

Đến nay, thị trường nội địa vẫn còn đóng góp khoảng 70% cho tiêu thụ nông sản của Việt Nam nói chung, cho nên thị trường nội địa vẫn còn tiềm năng rất lớn để các doanh nghiệp nông nghiệp có thể khai thác.

Đồng thời, triển vọng mở rộng thị trường nông thôn cho các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nông nghiệp sẽ tốt hơn, cũng như khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, chi phí đầu vào có thể giảm do cạnh tranh bởi nguồn cung trong nước và nhập khẩu đều tăng và do Nhà nước tiến hành xã hội hoá một số dịch vụ.

Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ cải cách doanh nghiệp Nhà nước, các nông lâm trường quốc doanh để tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp nông nghiệp, giải phóng một số nguồn lực như đất đai, quyền kinh doanh trong một số lĩnh vực nông sản; cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp với tiêu chí giảm xuống còn 50%.

Khả năng liên kết 4 nhà, liên kết các ngành, vùng sẽ thực chất hơn và mang tính bền vững hơn. Triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng sẽ tốt hơn môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư sẽ được cải thiện, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Công ty CP mía đường Lam Sơn sẵn sàng hội nhập
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn

Bí quyết lớn nhất, rõ ràng nhất tạo nên sự thành công của Cty CP mía đường Lam Sơn (Thanh Hoá) hôm nay chính là sự gắn kết giữa công ty với vùng nguyên liệu, sự gắn kết tổ chức hợp tác ổn định bền vững với sản xuất nông nghiệp nông thôn và nông dân trong suốt 20 năm qua.

Cty CP mía đường Lam Sơn (tiền thân là Nhà máy đường Lam Sơn) từ năm 1992 đến nay đã liên kết hợp tác với gần 35.000 hộ nông dân trồng mía trong vùng tổ chức thành công Hiệp hội mía đường Lam Sơn. Đại diện cho người nông dân, người trồng mía và nhà máy đã bầu ra Hội đồng quản trị của Hiệp hội để điều phối và bảo vệ lợi ích của nông dân, gắn bó trách nhiệm giữa nhà máy sản xuất công nghiệp với nông dân trồng mía bán nguyên liệu cho nhà máy, cùng nhau đóng góp vốn để xây dựng Quỹ phòng chống rủi ro, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, hoả hoạn hoặc khi có biến động thị trường.

Trong những năm qua, Cty CP mía đường Lam Sơn đã hỗ trợ nông dân khai hoang phục hoá mở rộng diện tích trồng mía được hơn 10.000 ha và chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả thấp sang trồng mía được trên 5.000 ha, tạo việc làm ổn định cho gần 30.000 lao động. Hàng năm, nhà máy đã đầu tư ứng trước cho người trồng mía gần 100 tỷ đồng để nông dân chi phí cho cày bừa làm đất, tiền mua giống mía, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một phần tiền nhân công.

Ngoài ra, Cty còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh mía cho nông dân và trích một phần lợi nhuận hỗ trợ các địa phương trồng mía xây dựng trường học, trạm xá...

Thành công của Cty CP mía đường Lam Sơn càng được khẳng định khi công ty trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành mía đường thực hiện bán cổ phần cho nông dân. Hiện đang có tới hơn 1.000 hộ trồng mía là cổ đông có cổ phần tại Cty mía đường Lam Sơn và 20.000 hộ nông dân đã được mua cổ phần ưu đãi (chiếm tới 22,7% số cổ phần) giống như các công nhân của công ty. Để đáp ứng yêu cầu của hội nhập, tháng 12/2006, cổ phần của Cty mía đường Lam Sơn sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo Hồng Thoan

VnEconomy