Hapro sau cổ phần hoá: Đẩy mạnh nguồn lực vào xuất khẩu, thương mại dịch vụ
(Dân trí) - Với bản kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ thống nhất cao (với tỷ lệ 100% thông qua) thì thấy rõ sau cổ phần hoá, Hapro sẽ giữ nguyên hoạt động cốt lõi là một công ty với thế mạnh về xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ...
Phấn đấu trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực
Kết thúc ĐHĐCĐ lần đầu hôm 24/6 vừa qua, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chính thức hoàn tất quá trình chuyển mình sang mô hình mới – CTCP.
Một trong những công việc quan trọng đó là kiện toàn nhân sự đã được ĐHĐCĐ thống nhất cao. Theo đó, bà Nguyễn Thị Nga được bầu làm tân Chủ tịch Hapro; ông Vũ Thanh Sơn là Tổng Giám đốc.
Với “sếp” mới vốn là chủ một doanh nghiệp bất động sản lớn danh tiếng (bà Nga hiện là Chủ tịch Tập đoàn BRG), nhiều ý kiến cho rằng Hapro có thể tận dụng lợi thế để chuyển đổi phương thức sử dụng đất sang đầu tư bất động sản, giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, nhìn vào bản kế hoạch kinh doanh sau cổ phần được ĐHĐCĐ thống nhất cao (với tỷ lệ 100% thông qua) thì thấy rõ sau cổ phần hoá, Hapro sẽ giữ nguyên hoạt động cốt lõi là một công ty với thế mạnh về xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ.
Một mũi nhọn và cũng là lợi thế cạnh tranh đem lại hiệu quả cho công ty hiện nay đó là xuất khẩu tiếp tục được Hapro chú trọng. Mục tiêu cụ thể Hapro đưa ra đó là đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm chủ lực của Việt Nam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vươn tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sẽ chiếm 80% tổng doanh thu của Tổng công ty. Kỳ vọng lớn của Hapro đó là đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực.
Trong thời gian tới Hapro cũng sẽ tiếp tục tập trung phát triển thị trường nội địa với hệ thống Siêu thị HaproMart, HaproFood và hệ thống các cửa hàng ăn uống dịch vụ… Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước phục vụ phát triển hệ thống bán lẻ.
Cổ phần hoá – sức bật để đạt mục tiêu
Trước khi cổ phần hoá, Hapro được biết đến là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu và phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn thủ đô.
Được thành lập từ năm 2004, sau hơn 10 năm phát triển, không phủ nhận Hapro đã có những bước tiến vững chắc trong hoạt động thương mại và trở thành một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và một số mặt hàng nông sản thực phẩm.
Tuy nhiên, mô hình doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ những khuyết điểm. Trong đó, có tính trì trệ trong hoạt động, sự phân định quyền lợi và trách nhiệm của người lao động cũng nhiều khi chưa rõ.
Không chỉ đối với Hapro, điểm hạn chế này như đặc tính cố hữu của DNNN. Đó chính là lý do vì sao nhà nước phải đẩy mạnh cổ phần hoá, và coi đây là nhiệm vụ quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Hapro khẳng định việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh công ty mẹ nói chung sẽ có nhiều sự thay đổi mang tính “căn bản” và “tích cực”.
“Sau cổ phần hoá, chúng tôi tin trưởng rằng Hapro trong điều kiện nguồn lực như hiện nay cộng với việc áp dụng với các biện pháp quản trị chủ động của mô hình CTCP sẽ tạo ra sức bật lớn hơn”, ông Sơn nói và nhấn mạnh sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, nguồn vốn từ các cổ đông sẽ mang lại cơ hội phát triển lớn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2018 khá khả quan. Kim ngạch xuất khẩu của Tổng công ty đạt 63,6 triệu USD tăng 43% so với cùng kỳ 2017, tổng doanh thu đạt 2.676 tỷ đồng bằng 127% so với cùng kỳ 2017.
Dự kiến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Hapro sẽ đạt 117 triệu USD và tổng doanh thu đạt 6.400 tỷ đồng bằng 115% so với cùng kỳ 2017. Kim ngạch xuất khẩu: đạt 63,6 triệu USD bằng 143% so với cùng kỳ 2017. Trong đó công ty mẹ - Tổng công ty đạt 63,1 triệu USD đạt 57% kế hoạch năm bằng 152% so với cùng kỳ 2017.
Với việc đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu, Hapro dự kiến đem về tổng doanh thu 2.676 tỷ đồng, bằng 127% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 2.022 tỷ đồng đạt 57% KH năm bằng 152% so với cùng kỳ 2017.
Bên cạnh việc xây dựng các chiến lược rõ ràng, mục tiêu cụ thể sau cổ phần hoá cho công ty mẹ, Hapro cũng cho biết sẽ tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu hoạt động của các Công ty con, công ty thành viên.
Theo đó, công ty nào giữ vị trí chủ đạo, có thế mạnh sẽ được Hapro tiếp tục tập trung đầu tư phát triển, đưa những đơn vị mạnh này chiếm giữ vị trí then chốt.
Còn những công ty có lĩnh vực kinh doanh không cần thiết, hoặc làm ăn yếu kém thua lỗ thì cần cơ cấu lại, thậm chí thoái hết vốn, rút hết vốn về. Kiên quyết loại bỏ những khâu yếu tạo sức nặng, gây khó khăn cho Tổng công ty cổ phần.
Nguyễn Hà