Hành trình kiến tạo năng lượng xanh của Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2
(Dân trí) - Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với biến đổi khí hậu, việc phát triển năng lượng xanh đã và đang góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm phát thải và bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Dấu ấn công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường
Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình kiến tạo năng lượng xanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nhà máy nằm trong Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ, cách TPHCM 70 km về phía Đông Nam, thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là địa điểm chiến lược cho lưới điện quốc gia với 6 nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp, chiếm 8% tổng công suất phát điện của Việt Nam tính đến năm 2023.
Là dự án BOT đầu tiên, Phú Mỹ 2.2 được xây dựng bởi hợp tác quốc tế, bao gồm EDF (Pháp), Tập đoàn Sumitomo và JERA (Nhật Bản). Với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD, nhà máy đã trở thành một dấu ấn quan trọng trong việc cung cấp năng lượng ổn định và hiệu quả cho Việt Nam.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2002 và vận hành thương mại vào năm 2005. Đây là nhà máy điện chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam. Với công suất 715 MW, nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 sử dụng công nghệ chu trình logic tiên tiến để phát điện, tận dụng nguồn khí thiên nhiên trong nước từ mỏ khí Nam Côn Sơn.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2005, nhà máy đã sản xuất hơn 91 TWh điện, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại miền Nam Việt Nam, đồng thời giảm thiểu đáng kể phát khí nhà kính so với nhà máy nhiệt điện than.
Điểm nổi bật của Phú Mỹ 2.2 chính là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tận dụng khí thiên nhiên từ mỏ khí Nam Côn Sơn, giảm thiểu phát thải và tăng cường hiệu suất cho các nhà máy nhiệt điện.
Theo đó, nhà máy được trang bị hai tổ máy tua bin khí General Electric 9FAe lớp F và một tua bin hơi lớp D11. Đây là công nghệ cho phép nhà máy đạt hiệu suất cao (lên đến 56%), giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu thụ và lượng khí thải ra môi trường.
Hướng tới tương lai năng lượng xanh
Không chỉ dừng lại ở những đóng góp về năng lượng sạch, Phú Mỹ 2.2 còn tạo ra nhiều giá trị kinh tế - xã hội. Nhà máy tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua việc nộp thuế. Đồng thời, việc đầu tư vào công nghệ hiện đại, đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề tại Phú Mỹ 2.2 cũng góp phần nâng cao năng lực công nghệ cho ngành năng lượng Việt Nam.
Bên cạnh những thành tích trong xây dựng, Phú Mỹ 2.2 còn đạt nhiều dấu ấn trong vận hành. Điển hình như đạt hệ số khả dụng hàng năm 94,8% vào năm 2022; 152 ngày liên tục đạt được độ tin cậy 100% trong năm 2023.
Ngoài ra, nhà máy cũng gây ấn tượng khi không có bất kỳ sự cố môi trường nghiêm trọng nào trong suốt 20 năm hoạt động; 15 năm liên tiếp đạt chứng nhận ba tiêu chuẩn ISO về chất lượng - an toàn - môi trường. Nhà máy cũng thể hiện trách nhiệm xã hội qua hàng loạt hoạt động hỗ trợ cộng đồng, từ cung cấp giáo dục đến cải thiện điều kiện sống, góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp.
Theo hợp đồng BOT, nhà máy sẽ được chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào tháng 2/2025. Ông Augusto Soares Dos Reis - Tổng giám đốc Công ty TNHH Năng Lượng Mê Kông cho biết việc chuyển giao không chỉ đảm bảo tính kế thừa trong quản lý mà còn mở ra cơ hội phát triển các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam.
Cũng theo ông Augusto Soares Dos Reis, quá trình chuyển giao này đã được Công ty Năng lượng Mê Kông dự kiến từ trước và chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm.
Theo đó, từ ngày đầu vận hành đến ngày cuối, công ty đã thực hiện chính sách bảo trì nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn công nghiệp đồng thời duy trì trạng thái hoạt động hoàn hảo của thiết bị. Cùng với đó, đơn vị cũng tổ chức chuyển giao kinh nghiệm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiếp nhận vận hành trong tương lai.
"Hướng tới tương lai, Phú Mỹ 2.2 tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia. Việc chia sẻ kinh nghiệm vận hành, chuyển giao công nghệ của nhà máy sẽ thúc đẩy sự phát triển của các dự án năng lượng sạch khác, góp phần vào mục tiêu chung của Việt Nam là giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững", ông Augusto Soares Dos Reis nhấn mạnh.