Hàng xách tay: Thượng vàng hạ cám

Nhiều mặt hàng xách tay từ Nhật đang “cháy” hàng sau vụ tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt ở Nhật vì nghi buôn lậu.

Trong khi đó, hàng xách tay từ các thị trường khác như Mỹ, Singapore, Pháp, Đức… với đủ loại từ hàng công nghệ, thuốc, thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm… vẫn sống khỏe.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Bán rẻ vẫn lời!

 

Liên hệ một vài địa chỉ website chuyên bán hàng xách tay từ Nhật, những nơi này cho biết sản phảm sữa bột Meiji nếu muốn đặt mua phải 10 ngày hoặc nửa tháng sau mới có vì các tiếp viên không dám nhận hàng xách tay từ Nhật, vừa cồng kềnh vừa dễ bị phát hiện. Meiji là loại sữa bột dành cho trẻ em, dù được phân phối chính thức tại Việt Nam nhưng nhiều bà mẹ lại chuộng loại dành riêng cho thị trường Nhật. Một hộp sữa Meiji dành cho trẻ từ 1-9 tháng tuổi tại Nhật có giá bán khoảng 420.000 đồng. Khi xách tay về Việt Nam, được bán với giá 600.000 đồng/hộp 800g.

 

Từ trước đến nay, không chỉ hàng Nhật mà hàng xách tay từ Mỹ, Anh, Pháp, Úc… được người tiêu dùng trong nước tin tưởng về chất lượng. Chúng tôi tìm đến một điểm bán hàng Mỹ ở khu cư xá Bắc Hải (quận 10, TP HCM). Chị Hân, chủ điểm bán, liền giới thiệu nhiều món “độc” do người nhà “đánh” từ Mỹ về.

 

“Ban đầu chỉ làm quà tặng nhưng do bạn bè thấy thích nên tôi nhờ họ hàng gửi về nhiều để bán kiếm thêm thu nhập. Người mua chủ yếu quen biết và giới thiệu lẫn nhau” - chị Hân nói.

 

Cầm trên tay hộp thực phẩm chức năng có tác dụng tăng sụn khớp gối, chị Hân tiếp thị: “Sản phẩm này ở Mỹ có giá 20 USD/hộp 350 viên (gần 450.000 đồng) nhưng tôi chỉ bán 500.000 đồng thôi vì người nhà ở Mỹ thường săn hàng khuyến mãi nên có giá rất rẻ”.

 

Loại nào cũng có

 

Sữa bột cho trẻ em xách tay là mặt hàng được nhiều người tìm mua vì tin tưởng vào hàng ngoại. Sữa Similac ở Mỹ, nếu mua theo dạng hàng khuyến mãi có giá rất rẻ nhưng khi về Việt Nam lại được bán tương đương giá thị trường nên người bán lời khá cao.

 

Chị Nguyễn Thị Mỹ (ngụ quận Tân Phú, TP HCM), hiện có 2 con gái nhỏ, cho biết ngay khi đứa con đầu được 1 tuổi, nghe mấy người bạn giới thiệu, chị đã đổi qua sữa S26 (nhãn hiệu của Úc, xách tay từ Singapore) và sử dụng cho con suốt 3 năm qua.

 

“Sữa xách tay tôi mua ở một cửa hàng gần nhà. Do không phải lúc nào cũng có hàng nên mỗi lần tôi đặt mua cả thùng 6 hộp cho bé uống dần” - chị Mỹ nói.

 

Hàng xách tay: Thượng vàng hạ cám
Một cửa hàng chuyên bán hàng xách tay trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1, TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh

 

Ghé vào một siêu thị mini trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM), chúng tôi thấy đủ loại sữa bột dành cho trẻ em được nhập khẩu từ Anh, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật. Cầm hộp sữa Enfagrow Older Toddler số 3, không có tem phụ tiếng Việt, đến hỏi nhân viên bán hàng về xuất xứ sản phẩm. Người này ngập ngừng rồi trả lời: “Đây là hàng nhập khẩu!”.

 

Tuy nhiên qua tìm hiểu, dòng sữa này hiện chỉ có hàng xách tay từ Mỹ về và trên mạng internet rao bán khá nhiều. Dưới đáy lon, siêu thị có viết thêm hạn sử dụng bằng bút lông cho khách dễ quan sát. Đến khi tính tiền, nhân viên thu ngân mới thừa nhận: “Hàng xách tay đó chị!”. Nhiều dòng sữa khác từ Nhật, Singapore, Pháp theo dạng xách tay cũng được bày bán trong siêu thị. Một số sản phẩm cháo ăn dặm, bánh ăn dặm, tã, bỉm được đem từ Nhật về cũng có mặt trên kệ siêu thị.

 

Tại một cửa hàng chuyên bán hàng nhập khẩu trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, TP HCM), các dòng sản phẩm từ nước xả vải, thực phẩm, rượu, bánh ăn dặm cho bé, nước ngọt, bánh kẹo… mang thương hiệu nổi tiếng nước ngoài đều không có tem phụ, nhãn tiếng Việt được trưng bày rất nhiều. Chủ cửa hàng cho biết hàng của tiệm gồm người nhà đem từ nước ngoài về, mua trên mạng qua hệ thống của Amazon, Walmart và cả nhập trực tiếp.

 

Giới mê quần áo xách tay đều biết một cửa hàng khá nổi tiếng, bề dày hàng chục năm trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP HCM). Tại đây, giá 1 chiếc quần jeans hiệu Levis, Guess, CK, D&G không dưới chục triệu đồng nhưng không phải lúc nào cũng có hàng.

 

Anh Nguyễn Văn Cảnh, một cổ đông của cửa hàng, cho biết: “Khách của tiệm thường là giới ca sĩ. Họ nghiên cứu món hàng rất kỹ từ catalogue nên đặt hàng xong, cửa hàng mới chuyển về. Hàng hiệu thường kén khách, đem về mà không bán được chỉ có nước đóng cửa”.

 

Hàng xách tay thông thường rẻ hơn hàng chính hãng nên phát triển khá mạnh. Những thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới có mặt tại Việt Nam đều thông qua một hệ thống kênh phân phối của những công ty độc quyền nên giá bao giờ cũng cao hơn nước ngoài, chưa kể thuế nhập khẩu. Theo các chủ cửa hàng, hàng xách tay bán chạy thường là các sản phẩm trong nước không sản xuất được hoặc chưa nhập khẩu kịp về Việt Nam.

 

Chất lượng phụ thuộc người bán!

 

Chủ cửa hàng trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) cho biết chất lượng hàng xách tay dựa vào thương hiệu của sản phẩm nhưng uy tín của người bán rất quan trọng bởi mọi thứ đều có thể làm giả. Với lon sữa bột, một số cửa hàng có thể thu hồi lại rồi bỏ sữa giả vào, cả hạn sử dụng cũng có thể dập lại… Do đó, mua hàng xách tay quan trọng là phải xác định trách nhiệm của người bán và uy tín của họ.

 

Theo Ngọc Mai - Thái Phương

NLĐ
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước