Hàng “xách tay” bày đầy trên phố: Nhập nhèm chất lượng
Người tiêu dùng Việt Nam quan niệm, hàng sản xuất tại nước ngoài, theo tiêu chuẩn của các nước phát triển chắc chắn chất lượng sẽ tốt hơn so với hàng sản xuất trong nước của các công ty đa quốc gia. Hàng nhái, hàng giả hàng xách tay cũng xuất hiện vì lý do này.
Chị Nguyễn Thu Hương - đầu mối buôn hàng xách tay cho biết: “Hàng xách tay cũng có năm bảy loại. Phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên) vẫn được biết đến là thế giới của hàng xách tay nhưng hàng hóa trộn lẫn. Trong số hàng châu Âu như: Đức, Pháp… có lẫn cả hàng Trung Quốc”.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Để chứng minh cho thực tế này, chị Nguyễn Thu Hương nói: “So sánh giá cả là cách người mua thường làm nhất để nhận biết hàng thật hay hàng giả. Tất nhiên, có người bán hàng giả vẫn bán giá cao, nhưng thông thường không bao giờ cao bằng hàng thật”.
Khảo sát một cửa hàng mỹ phẩm xách tay trên phố Trần Quốc Toản chúng tôi thấy muôn mặt của hàng xách tay. Chẳng hạn, phấn nền nước L’oreal được giới thiệu xuất xứ Anh nhưng có giá rất mềm 560.000 đồng/hộp. Trong khi đó cũng loại phấn này, được bán ở Parkson có giá đến 1,2 triệu đồng/hộp.
Qua quan sát một số mặt hàng tại sạp hàng xách tay trên phố Tố Hữu (Nam Từ Liêm), áo lót phụ nữ được giới thiệu có xuất xứ Hàn Quốc được bán với giá 130.000 đồng/chiếc rất giống về hình thức và giá cả tương đương với sản phẩm cùng loại đang được bán bởi hàng loạt cửa hàng “made in Việt Nam” và được quảng cáo là hàng Việt Nam xuất khẩu bị lỗi sang các nước.
Khi khách hàng thắc mắc về các loại dầu gội, nước rửa tay có phải hàng xách tay xịn hay không, vì những mặt hàng này khách đã từng gặp trong các cửa hàng chuyên đồ Thái Lan thì người bán hàng giải thích: “Các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái Lan có hàng này nhưng có tem ghi công ty nhập khẩu, còn đây chúng tôi hàng xách tay số lượng ít, nhờ mối quen biết gửi qua đường hàng không về nên không có tem, toàn tiếng nước ngoài”.
Chị Hà Thủy- chủ shop bán hàng xách tay trên mạng chia sẻ: “Nếu là hàng xách tay loại cao cấp, hàng đặt tiếp viên mua thì khi hàng về sẽ kèm với hóa đơn trong siêu thị. Không có chuyện mù mờ về nguồn gốc, xuất xứ do không có nhãn phụ tiếng Việt”.
Thực tế này đặt ra câu hỏi về việc có phải hàng xách tay nước ngoài vẫn được “tuồn” miễn thuế qua đường hàng không, hay hàng sản xuất trong nước giả danh hàng xách tay hàng không? Cả hai phương án này đều đặt dấu hỏi lớn về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa liệu có đảm bảo?
Kiểm soát chặt tại cảng sân bay
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các lực lượng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới. Theo một thành viên Ban chỉ đạo 127 thành phố, từ đầu năm đến hết tháng 3/2014, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và xử lý 717 vụ hàng cấm nhập lậu; 742 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; 2.528 vụ gian lận thương mại.
“Trong quý II- 2014, các lực lượng liên ngành, đặc biệt là Cục Hải quan thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu là thực phẩm tại khu vực sân bay, cảng cạn; tăng cường kiểm soát mặt hàng khoáng sản xuất khẩu. Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, Công an thành phố kiểm tra hàng hóa tại cảng sân bay Quốc tế Nội Bài, ga Gia Lâm, ga đường sắt Yên Viên”- vị đại diện này cho biết.
Liên quan đến việc kiểm soát hàng hóa nước ngoài không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không dán tem nhãn phụ tiếng Việt, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, đây là công việc thường xuyên của lực lượng này. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc.
Về phía Cục Hàng không Việt Nam, trao đổi với báo chí, ông Lại Xuân Thanh- Cục trưởng cho rằng: “Vụ việc Cảnh sát Tokyo (Nhật Bản- MPD) tạm giữ và thẩm vấn tiếp viên, phụ lái của Vietnam Airlines vào tháng 3 vừa qua là vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực cho hình ảnh của ngành hàng không dân dụng cũng như Vietnam Airlines. Vụ việc cũng là nguy cơ đối với công tác bảo vệ an ninh nội bộ ngành hàng không dân dụng”.
Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam đánh giá toàn bộ quá trình triển khai của Tổng công ty Hàng không Việt Nam về các biện pháp ngăn ngừa và ngăn chặn buôn lậu qua đường hàng không theo chỉ thị số 442/CT-CHK ngày 20-2-2008 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam”.
Theo Ngân Tuyền - Hà Linh