1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng tỷ USD phải chờ vào TTCK Việt Nam?

Gần đây, hàng loạt tin tức về việc các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đổ hàng tỷ USD vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên hy vọng trên được thắp lên rồi đợi chờ và câu hỏi vì sao vẫn treo lơ lửng.

Hết room

Rào cản lớn nhất mà nhà ĐTNN đang gặp phải là hết room (tỷ lệ sở hữu được phép - PV). Hiện có khá nhiều cổ phiếu đang niêm yết tại sàn TPHCM, room dành cho nhà ĐTNN đã gần hết, thậm chí đã lố!

Có thể kể đến những mã chứng khoán đã hết room đối với nhà ĐTNN như AGF, BMP, SAM, TAY (đều 49%), STB (30% - ngành ngân hàng chỉ được 30%) hoặc sắp hết room như BT6 (48.96%), CII (48,98%), SJS (44,98%),VNM (46,26%)...

Riêng REE đã lố khi vọt lên 55,47% và SHC lên đến 56,85%! Với tình hình trên thì có muốn mua thêm nữa, nhà ĐTNN cũng bó tay và chỉ còn chờ nhau bán ra để mua vào.

Ông Võ Hữu Tuấn, Phó Giám đốc công ty Chứng khoán Bảo Việt chi nhánh TPHCM cho rằng: “Các cổ phiếu đã hết room hay sắp hết đều là những cổ phiếu triển vọng tốt nên khi đã mua được, nhà ĐTNN ít muốn bán”.

Theo Tổng Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài thì “do không mua được thêm nữa nên chúng tôi không thể giải ngân mà cũng không dám huy động vốn thêm để đầu tư vào thị trường niêm yết”.

Ông Đặng Hữu Châu, cựu sinh viên Đại học Tokyo, Nhật Bản, hiện đang là tư vấn và môi giới chứng khoán cho nhiều đoàn khách du lịch Nhật sang Việt Nam đầu tư chứng khoán, cũng cho biết: “Qua thông tin về chứng khoán Việt Nam hiện tìm được khá dễ tại Nhật thì chính các cổ phiếu gần hết hoặc đã hết room là những cổ phiếu mang lại lợi nhuận tốt nhất. Sang đây họ cũng hỏi và muốn đầu tư vào các cổ phiếu này nhưng đành chịu vì hết room”.

Bộ phận môi giới chứng khoán cho nhà ĐTNN của SSI thừa nhận có rất nhiều loại cổ phiếu mà nhà ĐTNN đặt mua đến 2-3 tuần vẫn không khớp được lệnh vì hết room.

Đối với các quỹ đầu tư nước ngoài, việc nhiều cổ phiếu blue -  chip họ muốn đầu tư chỉ còn 3,4 % hay vài chục ngàn cổ phiếu. Ít như vậy nên  không “bõ” cho họ huy động hay giải ngân hàng chục triệu USD.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Vina Capital khẳng định: “Chỉ khi nào nâng room và vốn nước ngoài vào mạnh thì TTCK mới thực sự sôi động và điều chỉnh tăng đáng kể”.

Nâng room (tăng tỷ lệ sở hữu) là biện pháp khả thi nhất để kéo nhà ĐTNN đổ thêm tiền vào thị trường niêm yết nhưng vừa qua, UBCKNN tuyên bố Chính phủ chưa tính đến phương án này để đảm bảo tính bền vững và tránh TTCK phát triển quá nóng. Trong tình cảnh này, hàng tỷ USD của nhà ĐTNN vào TTCK sẽ vẫn phải chờ và chờ.

Và tâm lý chờ đợi

Ông David G. Fernandex, Giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận Nghiên cứu phát triển khu vực châu Á của tập đoàn tài chính JPMorgan nói với báo giới: “Từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều đợt IPO các doanh nghiệp đầu ngành của nhà nước, điều này sẽ thu hút một lượng vốn đầu tư gián tiếp (FII)”.

Nhưng cũng như cổ phiếu đang niêm yết, mức hạn chế của room vẫn là rào cản đáng kể để các nhà ĐTNN tham gia vào các đợt IPO. Các doanh nghiệp lớn sắp IPO lại nằm trong những ngành nghề mà room dành cho nhà ĐTNN vẫn còn hạn chế hơn nhiều ngành khác như ngân hàng, viễn thông, tài chính...

Đáng kể nhất là Vietcombank, BIDV, Incombank, MobiFone, Vinaphone... Bên cạnh đó nhà ĐTNN cũng đợi các đợt IPO này để xem cung, cầu của TTCK Việt Nam ra sao, có chỗ cho những giao dịch lành mạnh, giá CP có bị đẩy lên hay trở về với giá trị thực... để bớt rủi ro khi đầu tư.

Không chỉ vướng rào cản room mà nhà ĐTNN đang chờ đợi UBCKNN soạn thảo nội dung Quy chế quản lý nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ ban hành cuối tháng 6/2007. Điều họ lo ngại nhất là việc các chính sách, văn bản để quản lý TTCK Việt Nam được ban hành thường nặng tính hành chính và lộ trình thực hiện quá ngắn.

Việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng khống chế cho vay, cầm cố chứng khoán dưới 3% tổng dư nợ trong thời gian qua là một dẫn chứng sinh động. Nếu quy chế này có nhiều điều khoản khả thi và giúp thị trường ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn thì chắc chắn TTCK Việt Nam sẽ thu hút lượng lớn vốn ngoại và ngược lại.

Quy chế dự kiến ban hành này là khả năng có thể chấm dứt việc ủy quyền đầu tư qua các cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài, quản lý chặt hơn việc báo cáo thông tin của đối tượng này và thực hiện việc cấp phép, quản lý các văn phòng đại diện tổ chức đầu tư nước ngoài về một đầu mối là Ủy ban Chứng khoán.

Có khả năng quy chế sẽ cho phép các quỹ đầu tư nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam trước thời điểm thực hiện các cam kết liên quan trong lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đây chính là điểm mà nhà ĐTNN mong chờ để có thể đầu tư và đổ vốn mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Hà Phan
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm