Hàng trang trí Tết Giáp Ngọ "mỏi mắt" chờ khách
(Dân trí) - Nếu thời điểm này mọi năm, các phố bán đồ trang trí Tết luôn tấp nập người mua thì năm nay theo ghi nhận của PV Dân trí tại TPHCM và Đà Nẵng, thị trường khá đìu hiu, khách đến mua chỉ bằng 50% so với mọi năm.
Hàng trang trí Tết rực rỡ sắc màu trên phố Hải Thượng Lãn Ông (Q5, TPHCM) - Ảnh: Hồng Nhung
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Nửa tháng trước tết Nguyên đán, phố Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM )đã rực rỡ sắc đỏ, lấp lánh ánh vàng nhưng lượng khách tìm đến mua đồ trang trí còn thưa thớt.
Năm nay do tình hình buôn bán ảm đạm nên người sản xuất không mặn mà với việc chế tạo những sản phẩm mới, vì thế tại các cửa hàng đồ trang trí Tết ở các con phố này vẫn là những phụ kiện quen thuộc như: hoa mai bằng xốp, cành mai dán tường, dây chuỗi tiền vàng lấp lánh, mô hình dưa hấu - bánh chưng - bánh tét… Có chăng, nét mới của năm nay là tranh ảnh con ngựa dán tường, được làm từ xốp, giấy in và giấy thếp đồng.
Nét mới hiếm hoi của năm nay là những chú ngựa thếp đồng lấp lánh hoặc bằng xốp, giá từ 70.000 đ - 200.000 đ/bộ tùy kích thước (Ảnh: Hồng Nhung)
Chủ cửa hàng Tiệm Ký (đường Hải Thượng Lãn Ông) than thở: “Buôn bán từ mùa tết năm ngoái tới năm nay chậm lắm, khách hàng chỉ bằng 50% những năm trước thôi. Nhiều mặt hàng hạ giá nhưng vẫn không hút khách. Chúng tôi trông chờ những ngày cận tết xem sao nhưng cũng không hi vọng nhiều”.
Theo người bán hàng lý giải, nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, thưởng tết ít ỏi nên người dân chi tiêu hết sức tiết kiệm. Ngoại trừ những sản phẩm có hình con giáp của năm thì đa phần đồ trang trí có thể cất giữ từ năm ngoái, tết này đem ra dùng lại nên không cần phải mua sắm nhiều.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng họ mới bán được một vài món đồ trang trí nhỏ lẻ hoặc bao lì xì (Ảnh: Hồng Nhung)
Những trái cầu hoa mai to bằng quả bóng chuyền giá 100.000 đ. "Cầu mai" trong tiếng Nam Bộ đọc tương tự "cầu may", vì lý do đó nên mặt hàng này vẫn có khách mua lai rai (Ảnh: Hồng Nhung)
Tình hình buôn bán tại chợ phụ liệu may mặc trên đường Tống Duy Tân (quận 5) cũng cầm chừng. Tại đây ngập tràn những bao cánh hoa vải, những bó nhị hoa - nụ hoa, hàng ngàn dây ruy băng đủ màu… Khách đến đây đa phần là chị em phụ nữ mua phụ liệu để kết hoa vải trang trí tết, hoặc các em học sinh, sinh viên kết hoa bán gây quỹ từ thiện.
Chị em phụ nữ xúm xít mua phụ liệu trang trí tết trên đường Tống Duy Tân (Ảnh: Hồng Nhung)
Chợ khá đông nhưng chủ tiệm Thanh Huyền cho biết: “Năm nay, nhiều bà nội trợ đến mua đồ về tự kết hoa để tiết kiệm tiền sắm tết. Nhưng đây chỉ là bán lẻ, còn những đơn hàng lớn của các cơ sở sản xuất thì thưa thớt từ năm ngoái đến nay. Vì vậy, lượng hàng bán ra chỉ bằng 30-40% mọi năm”.
Tại Đà Nẵng, với quan niệm từ xưa đến nay vào ngày Tết cổ truyền thì tất cả mọi thứ đều phải đẹp, phải mới để mong muốn những điều tốt đẹp và mới mẻ sẻ đến cùng trong năm mới. Vì thế mà nhiều cửa hàng tạp hóa, các quầy bán nhỏ ở các chợ trên khắp tuyến đường Đà Nẵng vào những ngày này bày bán tấp nập các mặt hàng dùng để trang trí cho ngày Tết, trong đó chủ yếu như đèn lồng, dải hoa trang trí, dây kim tuyến nhiều màu, câu đối đỏ, tranh thư pháp, bao lì xì, đèn điện trang trí, hoa cảnh…tạo nên một không khí sắc màu cho ngày Tết ở Đà Nẵng.
Người dân mua đồ về trang trí Tết (Ảnh: Bích Liên)
Cô Nguyện Thị Hạnh, chủ tạp hóa Mỹ Hạnh (58A Hùng Vương, TP Đà Nẵng) cho biết: năm nay có rất nhiều các loại vật dụng trang trí, đặc biệt có các loại hoa làm bằng giấy cứng hay nhuộm màu nhân tạo. Giá cả của các mặt hàng cũng tương đối bình ổn, vừa với túi tiền của người mua”.
Hàng trang trí với nhiều mẫu mã, kiểu dáng (Ảnh: Bích Liên)
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các chợ, đến thời điểm này, lượng người đến mua vẫn khá thưa thớt. Theo chị Hạnh, mọi năm tầm này rất tấp nập người ra vào, phục vụ khách không xuể. Nhưng năm nay buôn bán ế ẩm hơn. Đến thời điểm này mà khách chỉ lác đác trên đầu ngón tay và lượng mua cũng e dè hơn, chủ yếu chọn những vật nhỏ, có giá tiền không lớn.
Trái với không khí ảm đạm tại khu phố bán hàng trang trí, tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp, TPHCM) hoạt động mua bán diễn ra tấp nập vì đây là thời điểm công nhân, sinh viên mua sắm quần áo để về quê ăn tết. Hàng hóa ở đây chủ yếu xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc, phục vụ cho đối tượng khách mua là người bình dân nên giá cả rất mềm: áo khoác 80.000 đ – 120.000 đ, quần jean 65.000 đ – 100.000 đ, quần tây 70.000 đ – 95.000 đ… Do mùa đông năm nay lạnh hơn mọi năm nên khách không chỉ mua áo ấm cho mình mà còn mua làm quà cho gia đình ở quê. Chợ Hạnh Thông Tây đông nghẹt dịp cuối năm (Ảnh: Hồng Nhung) Quần áo, giày dép tại đây được bán với giá rẻ "bất ngờ" dành cho khách hàng bình dân (Ảnh: Hồng Nhung) Mọi người sắm sửa ba lô, túi xách để về quê ăn tết (Ảnh: Hồng Nhung) |
Hồng Nhung - Bích Liên