Ế ẩm, tồn kho nhiều: DN và siêu thị giữ giá
Hiện các hệ thống phân phối lớn tại Hà Nội cho biết vẫn chưa nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp. Trước sức mua thấp của người dân, các nhà sản xuất, cung ứng và giới phân phối lưu thông đang tìm cách hợp tác để ứng phó với khó khăn của thị trường.
Giảm nhẹ "bão giá"
Giá xăng dầu điều chỉnh tăng liên tiếp 4 lần trong 29 ngày qua, trong đó tổng mức tăng của giá xăng đã lên tới 3.100 đồng/lít và 2.050 đồng/lít đối với dầu diezen. Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang lo ngại đợt tăng giá đồng loạt các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Tuy nhiên, các siêu thị hiện cho biết chưa có động tĩnh gì từ các đầu mối cung ứng hàng hóa đầu vào, giá cả vẫn tạm thời ổn định.
Bà Vũ Thị Hậu - siêu thị Fivimart cho biết, không như mỗi lần xăng dầu tăng giá trước đây, giá cả thường leo thang 5-7% thì trong một tháng nay giá cả hàng hóa đầu vào của siêu thị vẫn bình ổn, không có mặt hàng nào tăng giá đột biến.
Việc giá cả biến động tăng theo giá xăng dầu vẫn là câu chuyện của tương lai bởi lúc này lưu lượng hàng hóa luân chuyển trong các hệ thống siêu thị là hơi chậm. Người mua chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày, còn những mặt hàng gia dụng thì sức mua không cao.
Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị Intimex, Co.opmart cũng phản ánh, cho đến những ngày cuối tháng 8, họ vẫn chưa nhận được thông báo đề nghị tăng giá của nhà cung cấp nào thuộc nhóm thực phẩm lẫn phi thực phẩm như hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc.
Riêng hệ thống Co.opmart cho biết đơn vị này đã chủ động lên phương án đối phó trước cơn bão giá một cách thiết thực và tận lực nhất. Theo đó, nhà phân phối và nhà cung ứng đều nỗ lực kết hợp chặt chẽ với nhau để chia sẻ các dữ liệu về khách hàng, sức mua và thị trường. Việc này để các bên thấy rõ tình hình thực tế là sức mua hiện nay không cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nếu các doanh nghiệp tăng giá đồng nghĩa với tự loại thải mình khỏi sự lựa chọn của thị trường.
Song song với việc giữ giá, hai bên chấp nhận chia sẻ chi phí, cắt giảm lợi nhuận để thực hiện liên tục các chương trình khuyến mãi sâu, luân phiên giảm giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đồng hành "gánh bão" cùng mỗi hội gia đình.
Tìm cách chống "sốc"
Các nhà bán lẻ có tiềm lực cho biết đang tìm đến nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ như đầu tư ứng vốn bao tiêu đầu ra cho các doanh nghiệp an tâm sản xuất, đảm bảo nguồn cung ổn định, tăng cường dự báo thị trường, đảm bảo nguồn hàng dự trữ, đẩy mạnh các nhãn hàng riêng với giá rẻ. Tất cả nhằm đảm bảo yếu tố quyết định trong cạnh tranh lúc này là giá cả.
Ngoài ra, để đối phó với những đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp trong thời gian tới, các hệ thống lớn còn khẳng định chủ trương sẽ làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp để phân tích tình hình. Nếu yêu cầu tăng giá là hợp lý và không thể thay thế thì các bên sẽ cùng thống nhất một lộ trình tăng giá với thời gian và mức tăng hợp lý để tránh "sốc" cho người tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - ông Nguyễn Văn Đồng trong buổi trao đổi mới đây cũng bày tỏ quan ngại của mình về những thiệt hại chung của cả nền kinh tế sau mỗi lần điều chỉnh tăng giá dồn dập nguyên liệu đầu vào. Nói cách khác, việc giá cả các mặt hàng biến động theo giá xăng dầu, than, điện là vượt ra ngoài sự kiểm soát chủ quan.
Việc thành phố Hà Nội ra sức rót 376 tỷ trong năm 2012 cho các doanh nghiệp sản xuất lớn thuộc 10 nhóm hàng thiết yếu vay không lãi suất để bình ổn giá thậm chí có nguy cơ không ăn thua, mất tác dụng trước việc giá nguyên liệu của sản xuất tăng mạnh.
Ông Đồng thừa nhận, "376 tỷ đồng vẫn chưa đủ tầm và lực để có thể thắng được giá các nguyên liệu đầu vào tăng", song biện pháp bình ổn giá thời điểm nào cũng là việc phải làm. Điều này nhằm kiềm chế phần nào cơn bão giá; đảm bảo đủ lượng để giá cả không tăng tùy tiện và quá mức so với xăng dầu; cũng không để giới kinh doanh lợi dụng găm hàng, đầu cơ khống chế thị trường.
Được biết, trong tháng 8 và 9, các hệ thống siêu thị lớn đều tập trung chạy các chương trình khuyến mãi lớn. Trong đó Co.opmart có chương trình Tự hào hàng Việt với quy mô đầu tư 100 tỷ đồng. Ngay một hệ thống siêu thị mới mở là Hiway cũng cho biết sẽ tung ra trên 500 mặt hàng thiết yếu với mức giảm giá sốc từ 20-50% trong 10 ngày trước và sau 2/9.
"Toàn bộ lượng hàng hóa trong chương trình đã được siêu thị và nhà cung ứng ký kết thỏa thuận để lên kế hoạch từ đầu năm trong sản xuất, lưu kho, vận chuyển. Đây được xem là biện pháp chia sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng một cách thiết thực và trực tiếp nhất. Mặt khác nó cũng là biện pháp kích cầu, giải quyết hàng tồn kho hữu hiệu nhất trong giai đoạn cấp bách lúc này" - lãnh đạo Co.opmart đánh giá.
Theo Nguyễn Nga
VEF