1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hãng thời trang H&M cắt quan hệ với nhà cung cấp may mặc Trung Quốc

Thùy Dung

(Dân trí) - Gã khổng lồ trong ngành thời trang Thụy Điển vừa chấm dứt quan hệ với nhà sản xuất sợi Trung Quốc Huafu Fashion.

Hãng thời trang HM cắt quan hệ với nhà cung cấp may mặc Trung Quốc - 1

Hôm thứ Ba, gã khổng lồ trong ngành quần áo Thụy Điển - H&M cho biết họ đã chấm dứt mối quan hệ với một nhà sản xuất sợi Trung Quốc vì cáo buộc “lao động cưỡng bức” liên quan đến việc sử dụng các lao động dân tộc thiểu số từ tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.

Nhà bán lẻ thời trang nêu rõ, họ sẽ không làm việc với bất kỳ nhà máy may mặc nào trong khu vực và sẽ không còn nhập bông từ Tân Cương, khu vực trồng bông lớn nhất Trung Quốc.

Một báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) được công bố vào tháng 3 đã chỉ ra H&M là một trong những đơn vị thụ hưởng chương trình chuyển giao lao động cưỡng bức thông qua mối quan hệ của họ với nhà máy sản xuất sợi nhuộm Huafu ở tỉnh An Huy.

Tuy nhiên, H&M cho biết, họ chưa bao giờ có mối quan hệ với nhà máy ở An Huy, cũng như các hoạt động của Huafu ở Tân Cương.

H&M đã thừa nhận rằng họ có “mối quan hệ kinh doanh gián tiếp với một nhà máy” ở Shangyu, tỉnh Chiết Giang, thuộc Huafu Fashion.

“Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy lao động cưỡng bức ở nhà máy Shangyu, nhưng chúng tôi đã quyết định (cho đến khi chúng tôi hiểu rõ hơn về các cáo buộc lao động cưỡng bức) rằng chúng tôi sẽ loại bỏ mối quan hệ kinh doanh gián tiếp của chúng tôi với Huafu Fashion Co trong thời gian 12 tháng tới”, thông báo cho biết.

H&M cũng cho biết, họ đã tiến hành “một cuộc điều tra tại tất cả các nhà máy sản xuất hàng may mặc mà họ đang kinh doanh tại Trung Quốc nhằm đảm bảo rằng họ không sử dụng lao động… thông qua những gì được báo cáo là các chương trình chuyển đổi lao động hoặc chương trình việc làm trong đó lao động bị cưỡng bức”.

Áp lực quốc tế đang tăng lên đối với Trung Quốc về các hành động của họ ở khu vực Tân Cương giàu tài nguyên khi vào thứ Hai, Liên minh châu Âu đã thúc ép Trung Quốc để các quan sát viên độc lập của họ đến Tân Cương, kiểm tra việc ràng buộc nhân quyền đối với các thỏa thuận thương mại và đầu tư trong tương lai với Bắc Kinh.

Hôm thứ Hai, hải quan Mỹ cũng cho biết sẽ cấm vận chuyển một loạt các sản phẩm của Trung Quốc bao gồm bông, hàng may mặc và các sản phẩm tóc từ Tân Cương vì lo ngại chúng sử dụng lao động cưỡng bức.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc đã đánh giá động thái của Mỹ là “bắt nạt” và nói rằng các cáo buộc lao động cưỡng bức là “hoàn toàn bịa đặt”.