Hàng Tết sẽ đầy ắp chợ

Nguồn cung nông sản và hàng thực phẩm tươi sống cho dịp Tết Nguyên đán rất dồi dào nên giá sẽ ổn định, thậm chí còn rẻ. Vì thế, người dân TP HCM không phải lo trữ rau củ quả hay thịt, trứng, thủy hải sản dùng trong Tết.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết đã có đủ cơ sở để khẳng định Tết này, nông sản, thực phẩm từ chợ Bình Điền đủ sức cung ứng cho thị trường với giá rẻ và ổn định.

Hàng nhiều, giá không tăng

Ông Phú dự báo sản lượng hàng hóa nhập chợ 10 ngày cận Tết tăng bình quân 20%-25% so với ngày thường. Đặc biệt, đêm cao điểm nhất (27 hoặc 28 tháng chạp), sản lượng sẽ tăng 50%-60%, đạt khoảng 3.300-3.600 tấn/đêm. Riêng mặt hàng thịt heo và trái cây có thể tăng gấp 2-4 lần ngày thường. “Những ngày này đến chợ sẽ thấy hàng về chất cao như núi, đâu đâu cũng có hàng” - ông Phú ví von.

Hàng Tết sẽ đầy ắp chợ
Từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa về chợ Bình Điền tăng bình quân 20%-25% so với ngày thường

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, dự báo hàng về chợ dịp cao điểm Tết sẽ cao hơn năm ngoái chút đỉnh, dù năm rồi hàng tồn nhiều, ở mức 7.000 tấn/đêm.

“Nhận định này xuất phát từ việc theo dõi lượng hàng về mỗi ngày ổn định, trung bình 3.000 tấn và vọt lên 4.000-4.500 tấn trong dịp lễ, cúng rằm của năm 2014; trong khi năm 2013, lượng hàng về dịp này cao nhất cũng chỉ đạt 3.500 tấn/ngày. Với tình hình sản xuất như thế, lượng hàng không thể giảm được vào mùa Tết. Lượng hàng lớn trong lúc sức mua chưa tăng thì giá không thể tăng được” - bà Hà khẳng định.

Đối với sản phẩm chăn nuôi, năm 2014 là năm thuận lợi của ngành. Giá đầu ra bảo đảm có lãi trong lúc giá đầu vào ổn định, người nuôi không bỏ chuồng mà còn nuôi thêm nên nguồn cung thịt gia súc, gia cầm, trứng từ các trại hết sức dồi dào. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan), cho rằng giá các mặt hàng này trong thời gian tới chỉ có thể theo xu hướng giảm hoặc ổn định chứ không tăng.

Tránh sốt giá cục bộ

Hàng nhiều, giá tại chợ đầu mối rẻ nhưng làm sao để người tiêu dùng không phải mua giá cao do khan hiếm hàng cục bộ là yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước trong dịp Tết này.

Để hàng hóa không bị nghẽn, trong những ngày cao điểm, các chợ đầu mối sẽ nhận hàng luôn vào ban ngày, đồng thời bố trí lực lượng điều tiết giao thông nội bộ trong chợ để hàng lên - xuống nhanh, tạo thuận lợi cho tiểu thương chợ lẻ lấy hàng.

Theo Sở Công Thương TP HCM, người dân có thu nhập thấp thường sắm Tết muộn - từ sau 27 tháng chạp -  nên để tránh tình trạng giá tăng vào những ngày cao điểm, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá sẽ thực hiện khuyến mãi, giảm giá. Cùng với kênh phân phối rộng khắp (siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các chuyến bán hàng lưu động), người kinh doanh bên ngoài sẽ nhìn vào đó mà không tăng giá được. Đồng thời, Sở Công Thương còn phối hợp với các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá có kế hoạch sẵn sàng đưa hàng ngay để “dập” những nơi manh nha tăng giá vì thiếu hàng cục bộ.

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TP HCM, nhận xét 2014 là năm điều hành giá nhẹ nhàng nhất trong nhiều năm qua khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại TP HCM cả năm ước tính chỉ tăng 1,9%. Nếu trừ 2 yếu tố là viện phí và giáo dục thì CPI gần như đứng yên cả năm. “Với lượng hàng hóa chuẩn bị thì không lo thiếu, chỉ sợ bán không hết” - ông Chiến nhìn nhận.

 

Mặt hàng nào sẽ tăng giá?

Do tập quán tiêu dùng nên có một số mặt hàng gần như gia đình nào cũng mua, nhu cầu tăng vọt dẫn đến giá năm nào cũng tăng, ngay từ chợ sỉ. Với hoa tươi thì hoa hồng, hoa ly, hoa huệ, cẩm chướng năm nào cũng tăng giá gấp đôi ngày thường. Thực phẩm tươi sống thì cá thu, cá lóc, mực, tôm, thịt heo, gà ta và trái cây (nhóm quýt, bưởi, xoài, bom, dưa hấu) dự báo sẽ tăng 10%-40%, riêng cá thu còn tăng nhiều hơn.

 
Theo Ngọc Ánh
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”