1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng quán ở TPHCM cửa đóng then cài, kêu khó với quy định

Đại Việt

(Dân trí) - Các cơ sở kinh doanh ăn uống tại TPHCM được phép mở cửa, nhưng các quy định hiện hành gây nhiều khó khăn cho họ.

Chưa dám mở cửa vì quy định bất cập

Anh Ngô Phi Bay - chủ 2 quán cà phê ở Phú Mỹ Hưng, Quận 7 cho biết, 2 cửa hàng của anh vẫn "cửa đóng then cài" dù TPHCM cho phép các dịch vụ ăn uống được mở cửa trở lại.

Theo chủ quán, tiệm cà phê của anh khó đáp ứng được quy định "3 tại chỗ" vì không gian nhỏ, không có chỗ nấu ăn, không bố trí được chỗ ở lại cho nhân viên. Anh Bay cho rằng các điều kiện này chỉ phù hợp với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có không gian rộng rãi.

Chủ động tìm hiểu, tham khảo cách thức triển khai để mở quán, anh Bay nói chưa thấy chính quyền địa phương có những hướng dẫn cụ thể. Chủ quán cà phê lúng túng không biết phải xét nghiệm cho nhân viên 2 ngày/lần ở đâu.

"Nếu xét nghiệm 2 ngày/lần, nhân viên sẽ rất áp lực, xảy ra tâm lý lo sợ. Chi phí dành cho việc xét nghiệm cũng rất lớn" - anh Bay bày tỏ.

Hàng quán ở TPHCM cửa đóng then cài, kêu khó với quy định  - 1

Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống tại TPHCM vẫn đóng cửa im lìm (Ảnh: Đại Việt).

Cũng theo anh Bay, việc được mở cửa kinh doanh trở lại nhưng chỉ bán qua các ứng dụng giao hàng, khiến chi phí vận chuyển đến tay người tiêu dùng cao.

Chủ 2 quán cà phê nói dù nhân viên của mình đã được tiêm vắc xin và sẵn sàng làm việc, nhưng cửa hàng vẫn chưa thể mở cửa hoạt động lại bởi các quy định còn khó. Anh bảo hàng chục bạn bè của mình trong giới kinh doanh cà phê đều "chào thua" với các điều kiện như hiện nay.

Dù gặp nhiều khó khăn, đóng cửa kéo dài nhưng anh Bay vẫn phải trả tiền mặt bằng mỗi tháng hàng trăm triệu đồng; trả lương cơ bản cho nhân viên để trang trải tiền sinh hoạt, thuê nhà trọ. Anh mong được hoạt động trở lại nhưng thấy bất cập quá nhiều.

Anh Bay kiến nghị ngoài lực lượng shipper giao hàng, TPHCM cho phép dịch vụ ăn uống được bán cho người dân mang về. Nhân viên đã tiêm vắc xin được làm việc bình thường, tuân thủ 5K.

Muốn ăn bún bò, người dân phải trả 100.000 đồng

Mấy ngày nay, chủ quán bún bò tại Quận 3, bà Nguyễn Thị Thu chuẩn bị dọn dẹp lại quán, mở cửa trở lại thì đọc được quy định về "3 tại chỗ".

Theo bà Thu, hiện chi phí vận chuyển tăng cao khiến giá thịt bò, thịt heo, chả cua, chả lụa, rau xanh… đội lên rất mạnh. Bình thường, bà bán một tô bún bò giá 35.000 - 40.000 đồng, nhưng bây giờ mở cửa trở lại giá sẽ lên 70.000 - 80.000 đồng mới đủ chi phí.

Ngoài ra, bà Thu nói việc bán mang về thông qua shipper chỉ đáp ứng cho một bộ phận khách rất nhỏ trong quận. Điều này khiến doanh thu của quán giảm mạnh, buộc bà phải tăng giá để lấy doanh thu bù vào chi phí. Bên cạnh đó, quán ăn còn phải lo xét nghiệm cho nhân viên và hàng loạt chi phí phát sinh khác.

"Nếu chúng tôi mở bán, tiền vận chuyển một tô bún cho khách hàng trong quận mất ít nhất là 30.000 đồng. Như vậy, người dân muốn ăn tô bún bò trong thời điểm này có thể phải trả từ 100.000 - 110.000 đồng" - bà Thu giải thích.

Hàng quán ở TPHCM cửa đóng then cài, kêu khó với quy định  - 2

Muốn ăn một tô bún bò bình dân thì người dân có thể sẽ phải trả tổng số tiền khoảng 100.000 đồng bao gồm tiền bún và tiền vận chuyển (Ảnh: Đại Việt).

Theo bà Thu, nếu các quy định không sớm thay đổi, bà chưa biết khi nào quán ăn được mở cửa trở lại. Bà mong muốn việc vận chuyển thực phẩm sẽ liên quận, liên tỉnh, bởi nhiều nguyên liệu của quán lấy từ các địa phương khác.

Theo ghi nhận tại một số tuyến phố ở TPHCM, nhiều điểm kinh doanh ăn uống vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại. 

Người kinh doanh phản ánh là đúng

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nói có nhiều nguyên nhân khiến các cơ sở kinh doanh ăn uống chưa mở cửa hoạt động trở lại.

Cụ thể, với công tác "3 tại chỗ", các hộ kinh doanh gia đình có thể đáp ứng được,  nhưng với các doanh nghiệp, đơn vị phải thuê mặt bằng, việc đảm bảo "3 tại chỗ" sẽ khó khăn.

Đó là chưa kể đến việc người kinh doanh phải xin giấy đi đường - ông Phương chia sẻ.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương, phương thức cung ứng nguồn nguyên liệu tại thành phố hiện có nhiều thay đổi. Trước đây người bán hàng có đầu mối cung cấp riêng, nay họ phải đặt mua nhiều nơi. Trong khi đó, đa số nhà cung cấp lại không có giấy đi đường.

"Việc không được trực tiếp lựa chọn nguyên liệu, hàng hóa và phải giao công việc này cho nhà cung cấp mới, sẽ khiến người bán hàng không yên tâm" - ông Phương nhận định.

Theo ông Phương, phương thức bán mang về thông qua shipper cũng khiến các cơ sở kinh doanh ăn uống gặp khó, bởi lực lượng này chỉ được hoạt động nội quận, lượng khách sẽ bị giới hạn. Điều này đang khiến người bán cân nhắc có nên mở cửa trở lại hay không.

Chưa hết, quy định về xét nghiệm 2 ngày/lần cũng làm người kinh doanh e ngại mà "nấn ná" mở cửa hoạt động.

Sở Công Thương đã tiếp nhận ý kiến của các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp để trình lên lãnh đạo thành phố nhằm tìm phương án giải quyết sớm nhất trong thời gian tới - ông Phương cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm