Hàng ô nhiễm, rẻ tiền “vô số kể” vì không có hàng rào kỹ thuật
(Dân trí) - Trước thực tế về khả năng lập hàng rào kỹ thuật của Việt Nam đang ở mức rất yếu, các đại biểu Quốc hội lo ngại, Việt Nam sẽ bị “dắt mũi” khi hội nhập và nguy hiểm là tình trạng hàng hóa ô nhiễm đang “vô số kể” mà người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận.
Hàng rào kỹ thuật của Việt Nam đang rất yếu
Góp phần thảo luận về việc phê chuẩn nghị định thư, sửa đổi Hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới (WTO), đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đánh giá, khả năng lập hàng rào kỹ thuật của Việt Nam đang ở mức “rất yếu”. Tức là Việt Nam chỉ biết tuân theo những gì quốc tế đưa ra còn hàng rào kỹ thuật của bản thân lại rất kém nhưng không thấy ai lo việc này.
Thực tế trong buổi chất vấn vừa qua, khi các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát về việc hạn chế các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hóa chất.
Ông Tiên cho biết, đánh giá rất cao Bộ NN&PTNT đã đưa ra một hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ người dân để ổn định, không làm rối thêm thị trường, dù vấp phải những phản ứng từ các danh nghiệp do “góc độ lợi ích nào đó”. Ông cho rằng, Bộ trưởng Phát nên mạnh mẽ hơn để bảo vệ điều này.
Vị đại biểu cũng “chê”, hiện có những Bộ chủ yếu vẫn tuân theo các quy định của nước ngoài, không đưa ra hàng rào kỹ thuật, điển hình là Bộ Y tế.
Đại biểu Tiên dẫn chứng, cách đây 10 năm, Việt Nam từng có hàng rào kỹ thuật về một hóa chất thì chỉ được sử dụng bao nhiêu loại thuốc, nhưng 10 năm trở lại đây Bộ Y tế bỏ hàng rào kỹ thuật đó. Một hóa chất paracetamol có 600 loại thuốc đăng ký cho nên mới làm hỗn loạn thị trường, trong khi đó, kể cả những nước phát triển như Anh và Mỹ, một hoá chất chỉ cho đăng ký 15-20 loại.
Đại biểu Tiên đề nghị, trách nhiệm chính của Chính phủ là chỉ đạo việc lập hàng rào kỹ thuật. Bởi nếu không ai lo vấn đề này thì khi hội nhập, khả năng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị “dắt mũi” là rất lớn và sẽ không bảo vệ được thị trường trong nước.
Vì sức khỏe của người dân thì được quyền cấm!
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tiên nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu. Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng nhận định, do hàng rào kỹ thuật còn hết sức yếu kém nên người tiêu dùng Việt mới phải chấp nhận những hàng hóa rẻ tiền. Theo nhận xét của ông, hàng hóa ô nhiễm đang “vô số kể”, đặc biệt là khi được đưa vào thông qua đường tiểu ngạch.
Tuyên bố “không phải bảo vệ cho Bộ Công Thương”, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lại đưa ra góc nhìn khác. Theo đó, nguyên tắc đối xử quốc gia trong WTO là khi dựng hàng rào kỹ thuật thì đầu tiên các doanh nghiệp trong nước cũng phải đáp ứng được, mà theo ông là “rất khó”!
Do đó, trong việc dựng hàng rào kỹ thuật cũng phải tính toán mức độ để mang lại hiệu quả. Nếu không sẽ vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia - một trong 4 nguyên tắc quan trọng của WTO.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã bác bỏ lập luận này của đại biểu Lịch. Ông Nghĩa cho rằng, đối xử quốc gia không phải là dựng hàng rào. Đặt ra những yêu cầu phức tạp với hàng hóa khi nhập khẩu là được quyền làm.
“Hàng trong nước tôi chưa làm được nhưng khi anh vào nước tôi, tôi được quyền áp dụng hàng rào kỹ thuật cho phép. Vì vệ sinh môi trường, vì an toàn, vì lợi ích công của nhân dân chúng tôi, sức khoẻ người dân chúng tôi, là chúng tôi được quyền cấm, điều đó không có gì là vi phạm cả!” – đại biểu Nghĩa quả quyết!
Bích Diệp