Hàng nghìn xe tắc ở cửa khẩu khiến cử tri, nhân dân lo lắng
(Dân trí) - Cử tri và nhân dân băn khoăn về tình trạng hàng nghìn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản tiếp tục ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc.
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) gửi tới kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội, cử tri và nhân dân băn khoăn về tình trạng hàng nghìn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản tiếp tục ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc.
Việc ùn tắc này do phía Trung Quốc tạm ngưng, đóng cửa một số cửa khẩu để siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, thiệt hại về kinh tế cho người dân và doanh nghiệp trong nước.
Báo cáo nêu rõ: Trung Quốc có quy định mới về xuất nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó có nhiều nội dung mới, thắt chặt hơn liên quan đến nhiều mặt hàng nông sản, nguy cơ hàng hóa, nhất là nông sản trong nước không xuất được sang thị trường Trung Quốc. Trong khi trong nước thiếu những giải pháp căn cơ để phát huy thị trường nội địa đảm bảo đầu ra cho nông sản.
Cử tri cũng lo ngại khi vẫn còn tình trạng tự phát trong sản xuất, xuất khẩu nông sản dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá và rất bị động ở khâu tổ chức đầu ra của thị trường, khiến người dân và doanh nghiệp hết sức lo lắng, thiếu biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Trong phần kiến nghị, cử tri nhấn mạnh việc cần sớm ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Đồng thời, theo cử tri, cần sớm có các giải pháp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại những vùng có dịch để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; đảm bảo lưu thông, vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt giữa tất cả các vùng trong cả nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.
Cử tri cũng đề nghị thực hiện các chính sách bình ổn giá các mặt hàng y tế, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm, phân bón, thuốc trừ sâu... hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nông dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh; có giải pháp đảm bảo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia một cách hiệu quả.
Theo cập nhất mới nhất của lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng 5/1 là 2.299 xe, giảm 162 xe so với lượng xe tồn tại thời điểm hôm trước. Nguyên nhân chính được cho là thời gian chờ đời lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng nên các doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - chia sẻ, ông không khỏi xót xa trước cảnh hàng dài container chở nông sản ùn ứ trên cửa khẩu chờ xuất sang Trung Quốc. Ông Nguyên tính toán, thiệt hại trong đợt ùn ứ này rất lớn, có thể lên đến vài nghìn tỷ đồng. Ước tính, trị giá hàng hóa trên mỗi xe container lên đến khoảng 500 - 700 triệu đồng. Cộng thêm cho phí tiền xe cũng lớn vì đa số các mặt hàng được chở ra từ Tiền Giang, An Giang, Quảng Ngãi, Bình Thuận…
"Chưa kể chi phí duy trì sinh hoạt, bến bãi, xăng dầu để duy trì nhiệt độ bảo quản nghe đâu mỗi tài xế mất 1-2 triệu mỗi ngày. Cộng cả vào mỗi xe chắc tầm đến 600 triệu đồng, có xe còn hơn. Đối với doanh nghiệp, chủ hàng đây là khối tài sản vô cùng lớn với họ", ông Nguyên nói. Chưa kể đời sống các tài xế vô cùng chật vật vì "ăn bờ ngủ bụi", vật vờ mòn mỏi chờ…